Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết để phát triển du lịch Huế
Cập nhật lúc : 14:46 07/06/2018
Ngày 13/7, UBND Thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Định hướng các loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố Huế”. Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo thành phố, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan, đại diện lãnh đạo các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa du lịch - Đại học Huế, Trường Cao đẳng nghề du lịch, các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Thành - TUV, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị.
Báo cáo do đồng chí Phạm Thị Quỳnh Dao - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thành phố khẳng định: Thành phố Huế được xác định là một trong những thành phố văn hóa du lịch của cả nước, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tựu trung, tiềm năng du lịch là rất lớn, mục tiêu của thành phố là phát triển du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với xây dựng Huế - thành phố Festival của Việt Nam. Những năm qua, ngành Du lịch thành phố đã đạt được một số kết quả như: công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch du lịch được chú trọng, du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện; sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng và từng bước nâng cao chất lượng; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch; quản lý nhà nước về du lịch có nhiều chuyển biến. Báo cáo cũng nêu ra một số loại hình du lịch chủ yếu hiện nay Huế đang phát triển và có thế mạnh gồm: du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch lễ hội tín ngưỡng, du lịch sinh thái, cộng đồng, homestay, du lịch chữa bệnh, du lịch hội nghị, hội thảo… Mục tiêu phấn đấu của du lịch Huế đến năm 2020 doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng; đến năm 2030, xây dựng thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực, mỗi năm doanh thu du lịch tăng khoảng 15 - 17%, đến năm 2020 đón khoảng 2,4 triệu lượt khách, năm 2030 khoảng 3 triệu lượt khách. Báo cáo nêu lên một số hạn chế, đưa ra định hướng và giải pháp phát triển các loại hình sản phẩm du lịch qua 2 giai đoạn: giai đoạn 2018 - 2020, giai đoạn 2020 - 2030.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Thành nhìn nhận: đến thời điểm này ngành Du lịch của Huế vẫn chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi đóng góp vào GDP còn thấp, các sản phẩm du lịch của Huế chưa phong phú, chưa có những sản phẩm du lịch đặc sắc và tốc độ phát triển chậm so với các địa phương khác có ít tiềm năng hơn. Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó có từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân chưa thể hiện tính năng động, sáng tạo, chưa có nhiều dự án thể hiện được tầm nhìn xa. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Huế Nguyễn Văn Thành, muốn Huế có thể giàu lên từ du lịch thì du lịch Huế phải định vị phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao, thu hút và kiếm tiền với du khách hạng sang, vì vậy đồng chí mong muốn các đại biểu góp ý để làm sao nâng cao chất lượng của ngành du lịch Huế ở mức cao hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, Thành phố cần nghĩ đến việc lựa chọn những loại hình du lịch có thế mạnh, khai thác sản phẩm du lịch hình thức tổ chức mới mẻ, khác biệt, nổi trội. Thành phố cần thống kê khảo sát các điểm tham quan do thành phố quản lý, lập danh mục và lắp đặt các bảng chỉ dẫn cụ thể cho du khách. Cần phát huy, quảng bá, khẳng định các danh hiệu thành phố được công nhận như: Thành phố xanh Quốc tế, Thành phố sạch Asean…
Đồng chí Phan Văn Thảo - Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: Huế cần có 2 điểm cần phải làm đó là phát triển thương hiệu may đo áo dài và thế mạnh ẩm thực. Muốn làm được điều này Huế phải xây dựng được các trung tâm áo dài và ẩm thực đủ lớn để phục vụ du khách.
Đồng tình với quan điểm du lịch Huế phải đi theo hướng du lịch dịch vụ cao cấp, đồng chí Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế cho rằng: phải định vị “Huế” rộng hơn, thoát khỏi tư duy làm du lịch chỉ cho Huế mà cho cả tỉnh và cả quốc gia. Đầu tư nâng tầm cho du lịch sẽ biến Huế trở thành một trung tâm du lịch với vai trò chủ đạo, định hướng và là động lực cho ngành du lịch toàn tỉnh phát triển. Theo đồng chí Vũ Hoài Phương, chúng ta phải mở rộng không gian du lịch rộng ra đi kèm với đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, không nên tập trung khai thác du lịch tham quan khu di sản vì với số lượng như hiện nay đã thấy sự quá tải, những năm tiếp theo khi số lượng khách càng tăng thì họ sẽ đi đâu, ông Phương đặt câu hỏi và khẳng định rằng, sức hấp dẫn của thành phố Huế không thua kém thành phố Paris nhưng quy mô ngành Du lịch, các sản phẩm du lịch của Huế thì còn quá nhỏ bé.
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn nêu lên những tồn tại của du lịch Huế hiện nay như: tình trạng ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, vấn nạn chèo kéo du khách ở những điểm tham quan, vấn đề thiếu bãi giữ xe ở tuyến phố đi bộ; điểm nóng mất trật tự ở bến thuyền Tòa Khâm, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các vấn đề được nêu ra tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thành - TUV, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết sẽ tiếp thu trên tinh thần cầu thị và chỉ đạo các ban, ngành sớm chấn chỉnh, đồng chí mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phản ảnh, đồng hành cùng chính quyền thành phố để khai thác du lịch hiệu quả và nâng tầm ngành Du lịch của tỉnh trong thời gian đến.
Quang Phong
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/