In trang

Nhiều tâm huyết cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế
Cập nhật lúc : 15:13 03/00/2018

Sáng ngày 30/3, tại Thành phố Huế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế.

Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Thanh Bình - UVTW Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; Nguyễn Ngọc Thiện - UVTW Đảng, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà nghiên cứu, chuyên gia về di sản Huế và di sản văn hóa.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Huế là kinh đô của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, trong đó có 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, Cố đô Huế là nơi lưu giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng, tẩm, phủ đệ... Bên cạnh đó, Huế còn có cảnh quan thiên nhiên, nhà vườn, văn hoá ẩm thực, các loại hình nghệ thuật âm nhạc và lễ hội truyền thống đặc sắc, tạo nên sắc thái văn hóa rất riêng không nơi nào có được. Với lợi thế đó, Cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Thông qua hội nghị lần này, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn được nghe những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn thực trạng cũng như thách thức mà Huế đang phải đối diện, qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp góp phần khắc phục bất cập trong thực tiễn và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế.

Hội nghị đã được nghe 18 tham luận đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung làm rõ một số vấn đề về: Tác động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Cố đô Huế, cơ chế đặc thù cho bảo vệ, phát huy di sản văn hóa Cố đô Huế; Vấn đề phân cấp quản lý di sản văn hoá Cố đô Huế; Công tác kiểm kê, xếp hạng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo di tích; Công tác nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; Công tác khảo cổ và quản lý cổ vật; Hoạt động du lịch di sản Cố đô Huế; Xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa Cố đô Huế; Hợp tác quốc tế trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành cùng với sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như sự ủng hộ tích cực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhiều di sản phi vật thể của tỉnh đã được nghiên cứu, sưu tầm và phát huy, nhiều hạng mục di tích đổ nát, hoang phế do chiến tranh và xuống cấp nghiêm trọng đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo. Diện mạo Cố đô Huế đã ngày càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút lượng khách thăm quan ngày càng đông, nguồn thu từ du lịch ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế đang phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Số lượng di tích cần tu bổ, tôn tạo nhiều đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến di sản. Việc phân cấp quản lý di tích; công tác khảo cổ, quản lý cổ vật; việc tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh còn nhiều bất cập... Thực tế này đặt ra cho tỉnh nhiều vấn đề cần phải giải quyết hiện nay như: Cố đô Huế có cần một cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát huy giá trị di sản? Biện pháp nào khả thi cho giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế. Chính vì lý do trên, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với hy vọng rằng, bằng tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn sẽ có nhiều ý kiến phản ánh đúng thực trạng, đánh giá nguyên nhân, từ đó có những kiến nghị cụ thể để cơ quan hữu quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế nói riêng và giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung.

Ngọc Minh