Làng cổ Phước Tích: Vẫn còn nguyên giá trị
Cập nhật lúc : 15:45 02/06/2015
Hơn 500 năm tồn tại, với sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, thế nhưng làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh TT - Huế) vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn về không gian kiến trúc nhà rường, đền, chùa, miếu cổ… và vẻ đẹp nguyên sơ của một làng quê.
Bảo tồn nguyên vẹn làng cổ
Những ngày đầu năm, tôi đến thăm làng cổ Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hoà xanh mát. Tuyến đường dẫn vào làng vẫn là lát gạch theo hình hoa văn ở giữa, hai bên đã được thảm bằng bê tông để đáp ứng cho nhu cầu hiện tại. Ngăn cách giữa các ngôi nhà rường cổ là những hàng chè tàu xanh tươi, uốn lượn theo trục đường vào làng đến tận từng nhà, theo hàng thẳng tắp, gọn gàng để làm tăng thêm nét đẹp cho cấu trúc nhà rường cổ.
Dạo quanh làng cổ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy được mỗi nhà đều có khu vườn rộng khoảng hơn 1.000 - 2.000 mét vuông, ngoài làm nhà còn lại để trồng các loại cây ăn trái theo mùa, tạo một không gian tràn ngập màu xanh. Dù diện tích đất rộng nhưng nhà nào cũng giữ nguyên khu vườn, không xây nhà cao tầng làm phá vỡ không gia nhà rường cổ. Các nhà cổ đều có người lớn tuổi trong coi, gìn giữ, còn những người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, đến dịp Tết về sum họp cùng gia đình.
Hỏi về việc bảo tồn làng cổ, ông Hoàng Tấn Minh - trưởng thôn Phước Tích cho hay, người dân ở đây nhận thấy được nét đẹp của làng quê nên luôn khuyên con cháu có ý thức gìn giữ, trân trọng, bảo vệ để lưu truyền lại cho đời sau. Không buôn bán nhà cổ cũng như không chia nhỏ khu vườn để chuyển nhượng đất cho con cháu. Nhà xuống cấp, hư hỏng thì người dân gọi nghệ nhân ở làng mộc Mỹ Xuyên cạnh đó đến sửa chữa. Một số hộ dân khó khăn cũng cố gắng vay mượn để tu sửa ngôi nhà rường của mình. “Khi làng được công nhận di tích cấp quốc gia, nhà cổ xuống cấp được nhà nước quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa khiến người dân rất an tâm”, bà Lương Thị Hén, chủ ngôi nhà rường cổ rất có giá trị ở làng cổ Phước Tích vừa được trùng tu vui mừng cho biết.
Ông Lương Thanh Khiếu, chủ nhân ngôi nhà rường có tuổi đời trên 150 tuổi ở làng cổ Phước Tích cho biết, gia đình sinh sống ở Tây Nguyên, một mình ông phải bỏ về quê để chăm coi, giữ gìn ngôi nhà cổ mà cha ông để lại, nếu không có người ở nhà cổ sẽ nhanh xuống cấp, hư hỏng. Người dân cũng rất quý trọng làng cổ của mình.
Để bảo vệ cho ngôi làng cổ Phước Tích không bị xuống cấp, cũng như giữ hồn cho làng, UBND huyện Phong Điền đã thành lập BQL Di tích - kiến trúc - nghệ thuật làng cổ Phước Tích để quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa và khai thác di tích. Ngoài ra, UBND huyện đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng kè chống xói lở bờ sông Ô Lâu để tránh tình trạng xâm thực bờ sông, đe dọa đến làng cổ.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc BQL cho biết, để quản lý tốt UBND huyện Phong Điền đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích làng cổ Phước Tích; đồng thời để nâng cao hiểu biết của nhân dân, huyện đã tổ chức phổ biến Luật Di sản và phát tài liệu đến tay từng hộ gia đình. Đề án Quy hoạch và phát huy giá trị làng di sản Phước Tích đang trình UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trước khi trình Bộ VHTT&DL xem xét, phê duyệt. BQL cũng đã lập hồ sơ trình Sở VHTT&DL TT-Huế đăng ký kinh phí sửa chữa 5 nhà rường cổ xuống cấp trong năm 2015 - 2016.
Nét đẹp làng cổ hơn 500 tuổi
Bên ấm trà nóng, ông Lương Thanh Khiếu tâm sự nhà rường của gia đình ông đã lưu truyền qua hơn 3 đời, với nhiều lần duy tu, sửa chữa. Kiến trúc nhà rường theo kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tường gạch, sân lát bằng gạch Bát Tràng, trước sân có bình phong, bể cạn… Mọi vật trong nhà, vườn được bố trí hài hòa theo thuật phong thủy. Các vì kèo, xuyên, trếng, hoành phi, trính... được chạm khắc với một lối kiến trúc rất tinh xảo. Ở gian nhà giữa treo bức hoành. Nội thất của từng ngôi nhà được các chủ nhân bày biện bàn ghế, tràng kỷ, bộ phản, bàn thờ, hoành phi, câu đối... như một bảo tàng thu nhỏ của từng gia đình, dòng họ. “Hệ thống kiến trúc nhà cổ ở đây được các bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa) chạm khắc những nét tinh xảo, độc đáo”, ông Lương Thanh Khiếu cho biết.
Trong câu chuyện về làng cổ Phước Tích được ông Hoàng Tấn Minh giới thiệu, làng thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông, đến nay cả làng có 117 hộ, với 327 nhân khẩu, trong làng hiện còn 37 ngôi nhà rường, trong đó có 24 nhà rường của người dân đang sinh sống và 13 đình làng, nhà thờ họ… đa số có kiến trúc ba gian, hai chái, với tuổi đời từ 100 - 150 năm tuổi. Trong đó có 12 ngôi nhà rường có giá trị đặc biệt về kiến trúc kỹ thuật, tuổi thọ hơn 150 năm, cột gỗ đen bóng, vì kèo, xuyên, trếng, hoành phi, bản khoa, cửa đố… chạm trổ họa tiết, hoa văn tinh xảo không thua kém các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung triều Nguyễn.
Nhiều du khách, kiến trúc sư khi đến làng cổ Phước Tích để tham quan, nghiên cứu đều tỏ ra ngạc nhiên và thú vị vì khi nhìn sự nguyên vẹn của hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ. Các nhà rường trong làng đã trải qua hàng trăm năm nhưng vẫn được người dân trùng tu, sửa chữa, bảo tồn gần như nguyên vẹn, mang dáng dấp và đặc điểm của nhà rường vùng miền Trung và của Việt Nam. Trong khi, nhiều vùng ở miền Trung, đặc biệt ở Huế có rường Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế… nhưng chỉ có Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần như nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc BQL Di tích - kiến trúc - nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, đơn vị đang phối hợp với người dân nâng cấp, trùng tu một số nhà rường cổ có giá trị đã xuống cấp. Tiến tới sẽ đầu tư hệ thống đường ô bàn cờ quanh làng cổ để tạo thêm điểm nhấn. Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên Môi trường Việt Nam đã có thông báo công nhận cây Thị hơn 1.000 năm tuổi là cây Di sản. Đây cũng là niền vui cho làng cổ Phước Tích.
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: "Cấu trúc và tổ chức không gian làng cổ Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống".
XD
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/