In trang
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình tặng hoa chúc mừng tại Lễ khai mạc ngày sách

Khám phá và phát huy giá trị Di sản Tư liệu Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Cập nhật lúc : 18:53 04/06/2025

Đó là chủ đề của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức vào chiều 26/4, tại Tàng Thơ Lâu. Đến dự có UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các nhà nghiên cứu; cùng đông đảo các em học sinh.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 không chỉ là một sự kiện tôn vinh văn hóa đọc, mà còn là dịp để mỗi cá nhân, từ học sinh đến du khách và cả những tâm hồn đam mê lịch sử, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng nhau trải nghiệm, cảm nhận và lan toả thông điệp về giá trị di sản tư liệu quý báu của dân tộc qua Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết sự kiện này góp phần quan trọng đưa di sản văn hoá đến gần hơn với công chúng, là cơ hội để người xem có thể cảm nhận sâu sắc khát vọng, niềm tự hào của các bậc tiền nhân. Qua đó, chúng ta có thể nhìn lại quá khứ hào hùng dân tộc và giá trị lịch sử của những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này.

Bằng cách tích hợp các ứng dụng công nghệ số, từ mô hình 3D cho đến thực tế ảo (VR), chủ đề hướng đến việc bảo tồn và quảng bá di sản tư liệu một cách sáng tạo hơn, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện vào nhau. Là cầu nối tinh thần giữa các thế hệ: từ các chuyên gia, những người đam mê lịch sử, văn hóa, cho tới du khách và giới trẻ, tất cả sẽ cùng trải nghiệm, chia sẻ các giá trị văn hóa truyền thống. Việc truyền tải những di sản văn hoá dân tộc thông qua các hoạt động của chủ đề này không chỉ là dịp để tìm hiểu mà còn là cơ hội giúp thế hệ trẻ thấm nhuần, trân trọng quá khứ và khơi gợi lòng tự hào về quê hương, đất nước.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025

Chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 bao gồm các hoạt động chính: Khám phá di sản và Phát huy giá trị di sản.

Tại chương trình, các em học sinh được tham quan 3D và xem phim tài liệu. Theo đó, trưng bày công nghệ 3D “Cửu đỉnh”: một không gian ảo sống động, nơi mô hình 3D về “Cửu đỉnh” được tái hiện với những chi tiết sắc sảo, tinh tế nhất của kỹ nghệ đúc đồng truyền thống. Bộ phim tài liệu sẽ hé mở câu chuyện di sản: từ quá trình chế tác, tinh hoa nghệ thuật cho đến những tâm tư, khát vọng đằng sau từng bản đúc nổi, giúp người xem hiểu rõ ý nghĩa thực sự của từng hình ảnh.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại khai mạc ngày sách

Triển lãm tài liệu về Cửu đỉnh và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế sẽ mang lại trải nghiệm tương tác qua việc trưng bày các bản dập trên giấy dó - hình ảnh phản chiếu rõ nét của những bản đúc nổi độc đáo trên chín đỉnh đồng. Người xem sẽ được tìm hiểu kỹ thuật đúc đồng, những nét chạm khắc tinh xảo trên “Cửu đỉnh”, kèm theo đó sự phân tích ý nghĩa sâu sắc về các biểu tượng văn hóa, thần thoại đậm đà bản sắc dân tộc cũng giúp khơi mở trí tò mò và lòng tự hào về quá khứ dân tộc.

Tại chương trình các em học sinh được tham gia trò chơi tìm hiểu di sản  “Giải đố về các hình ảnh đúc nổi trên chín đỉnh đồng”. Trò chơi được xây dựng để giúp học sinh và du khách khám phá, hiểu rõ hơn về những bản đúc nổi được khắc họa trên chín đỉnh đồng, qua đó, kích thích tư duy, trau dồi kiến thức lịch sử và rèn luyện kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm trong một không khí vừa học vừa chơi.

“Tìm kiếm họa tiết” dựa trên mô hình 3D. Với mong muốn mang đến một trải nghiệm tương tác độc đáo, trò chơi này không chỉ phát huy khả năng quan sát, ghi nhớ mà còn khuyến khích người chơi tìm hiểu các họa tiết đúc nổi trên chín đỉnh đồng. Công nghệ 3D được ứng dụng sẽ góp phần mang lại cảm giác như đang trực tiếp khám phá từng chi tiết của di sản, khơi gợi sự tò mò và niềm hứng khởi.

Các em học sinh tham gia các hoạt động tại khai mạc ngày sách

Trải nghiệm nghệ thuật in nổi và vẽ họa tiết. In nổi mô phỏng hoa văn từ chín đỉnh đồng bằng giấy dó và mực. Sử dụng giấy dó và mực, các họa tiết đúc nổi được khắc họa lại một cách tinh xảo, mang đậm dấu ấn lịch sử và phong cách nghệ thuật độc đáo. Người tham gia được trải nghiệm thông qua việc vẽ lại những hình ảnh đúc nổi trên giấy thủ công, qua đó rèn luyện kỹ năng quan sát, sao chép cũng như thể hiện cảm xúc, sự tỉ mỉ và niềm say mê nghệ thuật. Người trải nghiệm không chỉ hiểu biết thêm mà còn có thể cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật đúc nổi và các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên… gắn liền với mỗi tác phẩm. Tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có thể sử dụng trang trí cho không gian sống, hay như những món quà lưu niệm mang đậm chất truyền thống.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 không chỉ là dịp để tìm hiểu, khám phá lịch sử mà còn có thể xem là hành trình kết nối tâm hồn, mang đến nhiều cảm xúc sâu lắng và thắp sáng niềm tin về một tương lai tươi sáng. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại chính là chìa khóa giúp chúng ta hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị tinh thần vốn có của dân tộc.

Văn Bốn