Hội thảo khoa học cửa biển Thuận An xưa và nay
Cập nhật lúc : 17:23 09/08/2022
Sáng ngày 08/9, Hội Khoa học lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học cửa biển Thuận An xưa và nay. Tham dự hội thảo có UVTV Tỉnh Uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế Phan Thiên Định; PGS. TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; TS Phan Tiến Dũng – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh, cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Thuận An nằm phía Đông thành phố Huế, dưới thời các chúa Nguyễn, Thuận An là thủy lộ chính thông sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu qua phá Tam Giang ra biển Đông.Vào các thế kỷ XVII - XVIII, đây là cửa ngõ vào thủ phủ các chúa Nguyễn, đồng thời là điểm kiểm soát tàu thuyền trong nước và quốc tế ra vào buôn bán ở thương cảng Thanh Hà - Bao Vinh, cảng biển lớn nhất của vùng Phú Xuân.
Giai đoạn triều Nguyễn, Thuận An có một vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, trấn giữ Kinh đô Huế. Vua Gia Long cùng các vua Nguyễn cho xây dựng và nâng cấp công trình Đài Trấn Hải - Trấn Hải Thành (1813) với thành cao hào sâu và hệ thống đồn lũy quân sự quy mô; xây dựng lực lượng thủy binh hùng hậu trong điều kiện lúc bấy giờ. Vào cuối thế kỷ XIX, Thuận An có sự hiện diện của một số sự kiện, một số di tích lịch sử - văn hóa tâm linh ghi dấu công cuộc giữ nước của nhà Nguyễn, đền Âm Linh(mả làng) - một ngôi mộ tập thể và miếu Âm Linh - nơi thờ cúng chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn trong cuộc chiến chống Pháp, giữ Trấn Hải Thành vào năm Quý Mùi (1883)...
Từ sau ngày giải phóng miền Nam (1975), Thuận An được phân chia địa giới thuộc huyện Phú Vang. Sau đó nhập vào thành phố và tiếp đó là thị trấn thuộc huyện Phú Vang. Từ ngày 1/7/2021, theo Nghị quyết số 1264/NQ- UBTVQH ngày 27/4/2021 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Theo đó, với việc mở rộng này, Thuận An trở thành phường thuộc thành phố Huế.
Ngoài vai trò quan trọng về quân sự, kinh tế lẫn môi trường sinh thái, cửa biển Thuận An còn mang thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo để bảo tồn, phát triển. Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu văn hóa đã đóng góp rất nhiều ý kiến, làm rõ thêm nhiều vấn đề thông qua 20 tham luận. Trong đó, tập trung vào hai phần: Vị trí chiến lược của cửa biển Thuận An trong lịch sử và Phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong tham luận Trấn Hải Thành - Di tích thành lũy quân sự hiếm hoi cần sớm được bảo tồn và phát huy giá trị, TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ: “Hơn 200 năm tồn tại, trước chiến tranh và những trận bão lũ khủng khiếp của lịch sử, Trấn Hải thành là đồn lũy quan trọng trấn giữ cửa biển Thuận An, nơi đây từng được xem là cửa ngõ yết hầu của Kinh đô Huế, nay đã trở thành một di tích quý hiếm. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích Trấn Hải Thành sẽ giữ gìn được một kiến trúc có giá trị góp phần cung cấp các thông tin về lịch sử văn hóa, ở vùng đất Cố đô, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiểu được lịch sử những trận đánh, những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, đồng bào. Trong tương lai Trấn Hải Thành sẽ được xây dựng thành một bảo tàng, một sản phẩm du lịch điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất Thuận An và cả thành phố Huế ”.
Về phát huy các giá trị về lịch sử - văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong tham luận Xây dựng Huế - thành phố hướng biển nhìn từ bản sắc văn hóa cư dân ven biển Thuận An, UBND thành phố Huế đã tập trung đánh giá, phân tích những yếu tố tài nguyên văn hóa của thành phố Huế nói chung, của cư dân ven biển phường Thuận An nói riêng, có kiến nghị: “Từ vị thế địa -văn hóa, tiềm năng kinh tế và quá trình lịch sử phát triển của Thuận An trong bối cảnh Huế đang phát triển thành phố hướng biển, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, có thể nhận thấy Thuận An có một số đặc trưng cơ bản làm nên bản sắc văn hóa, cũng như dễ “nhân diện” vùng đất Thuận An trong sự đa dạng văn hóa đặc trưng của Huế. Đồng thời những bản sắc này góp phần quan trọng trong việc tạo dựng “thương hiệu địa phương”, để có thể phát triển Huế - thành phố hướng biển trong tương lai”.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã có những ý kiến, đóng góp và trao đổi để làm sáng tỏ thêm về cửa biển Thuận An qua các thời kỳ lịch sử; vị trí vai trò của cửa biển Thuận An đối với vùng đất Kinh đô Huế; chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở vùng biển Thuận An phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế…
Văn Bốn
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/