In trang

Phát huy vai trò văn hoá cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 22:40 12/02/2023

Ngày 22/12, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân gian, văn hoá làng, các lễ hội truyền thống; phát huy vai trò văn hoá cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện các huyện, thị xã, TP. Huế và đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Phong trào xây dựng làng văn hóa là một trong những phong trào quan trọng của phong trào lớn, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương về văn hoá giai đoạn từ năm 2000 đến nay. Thông qua thực hiện phong trào đã góp phần lớn cho việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá làng, văn hoá dòng họ và các giá trị văn hoá tốt đẹp của mỗi địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, khởi đầu từ làng văn hóa Tây Thành xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (1997) các địa phương trên toàn tỉnh lần lượt triển khai đăng ký xây dựng làng văn hóa. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.101 khu dân cư (làng, thôn, bản, tổ dân phố), trong đó đã công nhận đạt chuẩn văn hóa 1.070, đạt tỷ lệ 97,6%. Bắt tay xây dựng làng văn hóa, mỗi một địa phương đều biết chọn lọc các yếu tố tích cực trong hương ước, tục làng để xây dựng một bản quy ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến duy trì phát triển thuần phong mỹ tục, ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, bài từ các tệ nạn xã hội...

Đổi thay trước hết là trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, không còn những lời lẽ thô tục, nói năng tuỳ tiện, to tiếng với nhau. Hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày có ý tứ, nền nếp, ngăn nắp, khoa học hơn. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, bê tông, rải nhựa, có cổng chào đầu làng, có pa nô bố trí những nơi công cộng nêu cao khẩu hiệu quyết tâm xây dựng làng văn hóa, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn bảo vệ môi trường... Đi sâu hơn vào trong mỗi làng văn hóa, người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy ước xây dựng làng văn hóa.

Phong trào xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã được triển khai xây dựng với 5 tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa đó là: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; Có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; Có môi trường cảnh quan sạch đẹp; Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Phong trào được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực, từng bước nâng cao chất lượng và số lượng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử - văn hoá lâu đời và đậm đà bản sắc dân tộc; là miền đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ các yếu tố từ văn hoá dân gian, làng xã, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng cho đến cung đình, đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Trong quá trính tiếp biến, phát triển đó, văn hóa cơ sở mà nền tảng văn hoá dân gian, văn hoá làng, các lễ hội truyền thống là yếu tố nội sinh, phát triển trong đa dạng các thành tố văn hóa để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử mà trong giai đoạn hiện nay là sức sống quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị, gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Thông qua việc thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được chú trọng với các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú và thiết thực nhằm huy động sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư tham gia phong trào. Hằng năm, các địa phương đã tổ chức tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng toàn diện của cuộc vận động; lồng ghép xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cáo nỗ lực tích cực của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì thế đề nghị các địa phương, các ngành liên quan cần đưa ra những giải pháp thiết thực hơn trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị. Trong đó, chú trọng các biện pháp xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; xây dựng, bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với truyền thống bản sắc dân tộc; xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình nông thôn và đô thị; làm rõ đặc trưng để triển khai vận dụng thực hiện xây dựng gia đình văn hóa và con người trong xã hội phát triển; tiếp thu những tinh hoa văn hóa để xây dựng nông thôn mới, lối sống, nếp sống văn minh đô thị.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận về thiết chế văn hóa ở cơ sở; Tết Nguyên đán và tập tục tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; Nghiên cứu và phát huy văn hóa dân gian trong đời sống văn hóa hiện nay ở Thừa Thiên Huế; Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân gian, văn hoá làng, các lễ hội truyền thống; phát huy vai trò văn hoá cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Văn Bốn