In trang

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”
Cập nhật lúc : 08:57 06/09/2015

Đó là tinh thần chủ đạo của Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa được Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế tổ chức vào sáng ngày 27/6/2015 tại hội trường Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Trần Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ đã tham dự.

Đại hội đã thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ thứ V (2010-2015), đánh giá những việc làm được, chưa làm được và đề ra phương hướng nhiệm kỳ 2015 - 2020, thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khóa V, Báo cáo của Ban Kiểm tra khóa V, Báo cáo sửa đổi  Điều lệ Hội.

Với số lượng hội viên không đông, chỉ trên 50 hội viên, phần lớn đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật, nhiệm kỳ qua, Hội Văn nghệ dân gian đã có những nỗ lực đáng kể trong hoạt động nghề nghiệp. Tham gia nhiều hội thảo trong và ngoài nước, hưởng ứng kế hoạch “Tầm nhìn 2010 và xa hơn” và dự án “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,  Hội đã sưu tầm, nghiên cứu những lĩnh vực đang còn bỏ ngỏ; rà soát bước đầu những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đang có nguy cơ mai một. Trong số  36 tác phẩm, công trìnhra mắt bạn đọc có 30 đầu sách thuộc dự án.

 

 

Sự ra đời của hai bộ sách lớn “Tổng tập văn học dân gian Thừa Thiên Huế” (người Kinh) do Triều Nguyên biên soạn năm 2012 và bộ sách song ngữ Việt - Taôi, Việt - Cơtu “Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế” do Kê Sửu chủ biên năm 2013 đánh dấu một giai đoạn sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian ở địa phương: chuyển từ việc sưu tầm sang các nghiên cứu chuyên sâu về thể loại, tiểu thể loại, về văn bản và các nhóm văn bản… Thực hiện đều đặn mỗi năm ra đời một tập “Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, nâng cao uy tín Hội.

Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VI Hội Văn nghệ dân gian tỉnh đã đề ra 3 nhóm mục tiêu cụ thể, tập trung việc liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác; tiếp tục phát triển hội viên, chú ý đến đối tượng trẻ, quan tâm đến những người đang hoạt động sưu tầm, nghiên cứu ở địa bàn miền núi, vùng biển; chủ động sưu tầm, nghiên cứu; lập kế hoạch điều tra, soát xét những nội dung, sự việc về văn hóa dân gian ở phạm vi làng xã, để có thể triển khai thành những đề tài nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có.

 

 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Nhạc sĩ Trần Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh trong nhiệm kỳ qua, chia sẻ những khó khăn trong hoạt động Hội đồng thời định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương thời gian tới.

 

 

Đại hội đã lựa chọn bầu 5 đại biểu ưu tú đủ năng lực, phẩm chất vào Ban chấp hành nhiệm kỳ VI, bầu Ban kiểm tra gồm 3 vị và bầu 10 đại biểu đi dự Đại hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật tỉnh.


Ngô Hương Thủy