In trang
Với sáu sào đất trồng rau má, gia đình chị Cao Thị Ngọc Mai, thôn La Vân Thượng thu được gần 10 triệu đồng/tháng từ tiền bán rau.

Xanh mát đồng đất Quảng Thọ
Cập nhật lúc : 08:57 07/03/2015

Nắng nóng kéo dài nên nhu cầu giải nhiệt bằng rau má tăng đột biến. Sản lượng rau má tươi ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Thọ (Thừa Thiên - Huế) trong những ngày này được bán ra thị trường khoảng 5-6 tấn/ngày. Với thời tiết khắc nghiệt ở miền trung, cây rau má trở thành nguồn thu nhập chính, giúp người nông dân đổi đời, có của ăn, của để.

Nhà nhà trồng rau má

 

Nằm hạ lưu sông Bồ, xã Quảng Thọ vốn là vùng quê nổi tiếng trồng rau màu, khoai lang và đậu lạc; song giá trị sản phẩm thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo bà con, mô hình trồng rau má trên cánh đồng Phước Yên bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2002. Người đầu tiên đưa cây rau má về địa phương là anh Cao Quảng Thiện. Từ khám phá thú vị, cây rau má thích nghi được thời tiết khắc nghiệt mùa mưa ngập úng, mùa hè khô cạn, nhất là mỗi khi lũ lụt nước ngập trắng đồng, cây rau má dù có chìm trong nước bạc, nhưng khi nước rút, lại mọc lên xanh tốt, nhờ phù sa lắng lại. Sau một vụ trồng thử, cây rau má phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, anh Thiện mạnh dạn chuyển một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau má. Nhận thấy lợi ích kinh tế hơn hẳn những cây trồng khác nên nhiều người dân trong thôn và các thôn lân cận đua nhau canh tác, mở rộng diện tích trồng rau má.

Hơn chục năm nay, cuộc sống của người dân dần khấm khá, có bát ăn, bát để nhờ vào những cánh đồng rau má xanh bạt ngàn. Từ tờ mờ sáng, người dân đã ra đồng, nhổ cỏ, tưới nước, hái rau má; và ngày ngày, thương lái "săn lùng" đến từng nhà. Những tháng qua, nắng nóng khiến nhu cầu giải nhiệt bằng rau má để nấu canh, xay sinh tố, nước uống... tăng đột biến. Sản lượng bán ra thị trường hằng ngày khoảng 5 đến 6 tấn rau má tươi, trong đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cam kết thu mua 1,2 tấn, số còn lại người dân phụ thuộc tư thương. Ông Trần Phụ Phú, cán bộ kỹ thuật HTX Quảng Thọ 2 cho biết: Cây rau má cho thu nhập cao, lại dễ trồng và ít chi phí. Người trồng rau má mua giống trồng một lần trên đất, sau đó chỉ bỏ công, phân bón chăm sóc, rồi thu hoạch từ năm này qua năm khác, vì loại rau này tái sinh nhanh. Trồng rau má không đòi hỏi phải cầu kỳ như những loại cây trồng khó tính khác, nhưng muốn năng suất cao, trước khi cắt bảy ngày phải hòa đạm u-rê vào bình phun tay để phun cho rau một lần. Lần phun này có tác dụng làm cho lá rau má có đủ dưỡng chất để vươn cao, lá rau xanh mượt. Đây cũng là cách để tăng sản lượng rau thương phẩm.

Rau má được xem là cây chủ lực của nông dân xã Quảng Thọ khi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là năm 2012, xã Quảng Thọ triển khai sản xuất rau má bằng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Thói quen canh tác của người dân dần thay đổi và với sản phẩm rau an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn, giá rau má tương đối ổn định, ít bị tiểu thương ép giá. Hiện toàn xã có khoảng 40 ha đạt tiêu chuẩn, với hơn 300 hộ dân trồng rau má, tập trung chủ yếu ở thôn Phước Yên và thôn La Vân Thượng. Anh Nguyễn Đình Chính, nông dân ở thôn Phước Yên cho hay: "Trong vòng 25 ngày, chúng tôi sẽ cắt được một lứa rau má, với năng suất khoảng 150 kg/sào. Gia đình tôi có sáu sào rau, bình quân một sào thu khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, vị chi một tháng có gần 10 triệu đồng. Một năm tôi làm được 10 vụ, gia đình tôi có của ăn của để, xây nhà cửa đàng hoàng, con cái học hành đến nơi, đến chốn". Trên mảnh đất này, nhiều người dân, công việc trước đây bấp bênh, nay trở thành những thương lái chuyên nghiệp, mỗi ngày họ thu mua khoảng một đến hai tạ rau má, lợi nhuận thu lại khoảng 500 nghìn đến một triệu đồng. Những người làm thuê cắt lượm cũng kiếm được 80 đến 120 nghìn đồng/ngày công.

 

Xây dựng thương hiệu trà rau má

 

Rau má không chỉ là thực phẩm mà còn là dược phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài sản phẩm rau má tươi an toàn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, HTX Quảng Thọ 2 đang quảng bá và phát triển thương hiệu trà rau má Quảng Thọ. Sản xuất trà rau má trên cơ sở sản xuất rau theo hướng VietGap, mở ra hướng phát triển mới cho địa phương. Rau sạch sau thu hoạch được cơ sở thu mua xử lý ô-zôn và phân phối cho thị trường, phần còn lại được đưa vào sản xuất trà rau má. Chị Cao Thị Ngọc Mai, ở thôn La Vân Thượng (xã Quảng Thọ) tâm sự: "Chúng tôi được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, cải thiện và ứng dụng một số phương pháp phù hợp mới trong quá trình canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học an toàn. Mọi hoạt động bón phân hay phun thuốc đều bảo đảm theo nguyên tắc "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách".

Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 Nguyễn Lương Trí cho biết: Từ các nguồn kinh phí, HTX đã xây dựng cơ sở chế biến, đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất các sản phẩm từ rau má với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng. Từ đó, cơ sở có hệ thống sản xuất nguyên liệu sạch, ứng dụng công nghệ cao để cung cấp rau má tươi đạt tiêu chuẩn an toàn cho thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm trà rau má Quảng Thọ đã có mặt trên thị trường khu vực miền trung, nhất là thị trường tiềm năng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đang xúc tiến, mở rộng sang nước bạn Lào. Với mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng, công suất ban đầu đạt từ 7 đến 10 tấn trà thành phẩm/tháng.

Theo ông Nguyễn Lương Trí, trà rau má Quảng Thọ là trà thực phẩm chức năng, khi sản xuất, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các xã viên. Nhiều thành tựu khoa học trong sản xuất, chế biến, bảo quản được ứng dụng, tạo cơ hội để trà rau má phát triển trên thị trường. Thời gian tới, HTX sẽ đa dạng hóa các sản phẩm để cung cấp cho thị trường như trà rau má hòa tan, nước rau má đóng chai, cao rau má... Thị trường sẽ được mở rộng ở các siêu thị và khách sạn, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận.

Đánh giá về hiệu quả của cây rau má, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong, cho biết: Mỗi hộ dân có 5 đến 10 sào rau má, trừ chi phí canh tác, mỗi hộ thu nhập bình quân từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/năm. Riêng nguồn thu của nhân dân Quảng Thọ từ cây rau má mỗi năm đạt từ 2,5 đến 3 tỷ đồng. Bình quân mỗi ha rau má cho thu nhập 150 đến 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp bốn đến năm lần so với trồng lúa và rau màu khác. Nhờ trồng rau má, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn Quảng Thọ được cải thiện. Từ địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện, đến nay, hộ nghèo ở Quảng Thọ giảm xuống còn dưới 6%.

 

Nhân dân