Tập đoàn Quế Lâm: Liên kết đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị
Cập nhật lúc : 16:24 07/09/2019
Liên kết Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị là một tất yếu khách quan của thế giới và Việt Nam. Vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ người sản xuất khỏi tác hại của lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu, đồng thời góp phần đa dạng sinh học của môi trường. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn và hạn chế, ở Việt Nam chỉ có khoảng 10 - 14% sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua chuỗi liên kết; trong đó sản phẩm nông sản sạch chỉ chiếm khoảng 3 - 5%.
Một số kết quả của Tập đoàn Quế Lâm ở Thừa Thiên Huế
Với mong muốn đóng góp cho Thừa Thiên Huế những sản phẩm sạch, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững, phục vụ du lịch, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, đã chủ động đầu tư đầu vào và thu mua các sản phẩm đầu ra cao hơn thị trường, tăng thu nhập chính đáng, được bà con nông dân đồng tình ủng hộ, sản xuất có hiệu quả tốt, nhiều địa phương mong muốn mở rộng diện tích, quy mô, nổi bật là:
1. Mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị:
Năm 2018 đã triển khai cho trên 12 Hợp tác xã gần 1.000 hộ xã viên với tổng diện tích trên 500 ha, năng suất bình quân đạt gần 54 tạ/ha. Vấn đề lớn nhất là đã chuyển đổi căn bản nhận thức sản xuất nông sản sạch cho người nông dân, giúp người nông dân và người tiêu dùng có sức khỏe tốt, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa như mạ khay máy cấy, trong công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, không đốt gây ô nhiểm môi trường và gây hại đất. Tiêu biểu là các HTX Phù Bài, HTX Phù Lương, HTX Đông Toàn, HTX Đông Vinh, HTX Điền Lộc. Tập đoàn đảm bảo thu mua cho nông dân từ 8.000 đồng/kg lúa (Giá thị trường chỉ 5.500 đồng/kg).
2. Mô hình liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi giá trị:
Đã triển khai 15 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh theo quy trình chăn nuôi hữu cơ ở 6 HTX với tổng đàn gần 1.200 con; trọng lượng xuất chuồng bình quân 95 kg/con. Tập đoàn Quế Lâm đã hợp đồng thu mua 46.000 đồng/kg heo hơi (Thị trường chỉ từ 28.000 -30.000 đồng/kg heo hơi).
Qua 3 năm thực hiện, đã khẳng định đây là quy trình chăn nuôi lợn không xả thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tối đa nước, nhân công và đặc biệt là không tốn chi phí thú y và an toàn dịch bệnh. Chất lượng thịt thơm ngon, đáp ứng tiêu chuẩn 5 không: Không chất tạo nạc, Không có chất kháng sinh, Không tạo màu, Không kim loại nặng, Không chất bảo quản, mô hình đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường
Đặc biệt, trong các đợt dịch tả lợn Châu Phi, trong khi các hộ nuôi trong vùng bị dịch bệnh thì các hộ nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh theo quy trình chăn nuôi hữu cơ vẫn an toàn, không bị dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thịt lợn sạch cho thị trường, được đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra và công nhận.
3. Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và thức ăn chăn nuôi:
Để hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ngoài cơ chế và quyền lợi đối với các thành viên tham gia thì yếu tố quyết định thành công là phân bón và thức ăn chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ.
Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng 7 máy phân bón hữu cơ vi sinh trên toàn quốc với sản lượng đến hàng triệu tấn/năm, cung cấp cho các địa phương trên toàn quốc và nước bạn Lào.Riêng ở Thừa Thiên Huế đã đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở Hương Trà, cung cấp cho Thừa Thiên Huế, các tỉnh miền Trung và nước bạn Lào hằng năm trên 200 ngàn tấn/năm. Đồng thời, Tập đoàn cũng đã nghiên cứu, đầu tư sản xuất thành công thức ăn chăn nuôi hữu cơ dựa trên công nghệ vi sinh chăn nuôi lợn phục vụ bà con nông dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
4. Xây dựng thương hiệu tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ:
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường năng suất không cao, sử dụng nhiều lao động, lại phải triển khai trên diện tích nhỏ lẻ nên giá thành sản phẩm cao. Mặt khác, do chúng ta chưa quản lý tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường nên việc xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai nhiều chuỗi giá trị nông sản chủ yếu như gạo, thịt lợn, rau, củ, quả… được ngành nông nghiệp đánh giá và công nhận chuỗi giá trị sản xuất an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đồng thời, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản hữu cơ Quế Lâm tại 101 Phan Đình Phùng, Thành phố Huế góp phần xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng lương thực, thực phẩm an toàn, có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc (Ví dụ gạo hữu cơ Quế Lâm sản xuất ở Phú Bài, heo hữu cơ Quế Lâm nuôi ở Phong Thu,…). Tuy nhiên, vẫn chưa đạt như mong muốn.
Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn Quế Lâm kiến nghị chính quyền địa phương và một số ban ngành một số giải pháp sau:
- Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với mở rộng sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị:
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị là một quá trình khó khăn, phức tạp; đòi hỏi sự tự giác rất cao của Người sản xuất; khắc phục ngay tình trạng “Trồng cho mình” khác với “Trồng để bán” mà nhân dân có câu “Rau hai luống, heo hai chuồng”, kể cả người tiêu dùng.
Để khắc phục vấn nạn này, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các Sở, ban ngành, các đoàn thể chính trị để tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu vì sức khỏe cộng đồng và cả chính mình; hưởng ứng tiêu thụ mạnh mẽ nông sản sạch an toàn đến trường học, cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp...
- Có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân tham gia sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị:
Chúng ta đều biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị không những đem lại lợi ích cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn tạo ra đa dạng sinh học, không ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Vì vậy, nhà nước nên hỗ trợ nông dân trong việc mua con giống, cây trồng, thức ăn, máy cấy; phân bón thông qua nhà cung ứng và các doanh nghiệp.
Các đợt dịch trên gia súc, gia cầm trước đây và dịch tả lợn Châu Phi đã cho chúng ta bài học đắt giá. Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng để tiêu hủy lợn, nếu chúng ta dành kinh phí đó để hỗ trợ người dân nuôi heo hữu cơ an toàn thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.
- Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị:
Nhà nước ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, cho các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị.
Chung tay lo đầu ra cho nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Doanh nghiệp là đơn vị chủ yếu lo đầu ra cho nông dân, song trong điều kiện ban đầu, cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh và các ban, ngành ủng hộ, tạo điều kiện để Tập đoàn Quế Lâm triển khai dự án tổ hợp 15 ha nuôi trồng, chế biến nông sản hữu cơ tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền sớm đi vào hoạt động.
Thông qua hợp tác, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sự vào cuộc mạnh mẽ các Sở ban ngành cụ thể hơn nữa để mỡ rộng sản xuát và tiêu thụ nông sản hữu cơ làm ra. Bên cạnh đó, sớm cho chủ trương nghiên cứu dự án Tổ hợp làng nghề, dịch vụ, thương mại tại phường Thủy Xuân.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị an toàn và bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển; góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững theo Nghị định Nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ đã ban hành.
Hoàng Anh
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/