In trang
Trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường trên tuyến đường mới Tự Đức- Thủy Dương

Tăng giá trị từ chất lượng cây trồng
Cập nhật lúc : 11:07 03/04/2015

Thông thường hằng năm, mùa trồng cây, trồng rừng mới bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch và tiếp tục vào vụ xuân năm sau. Có hai hình thức trồng, trồng cây phân tán để tạo cảnh quan, điểm xanh và trồng rừng kinh tế theo chương trình, dự án, trồng tập trung trong nhân dân. Để đảm bảo về quỹ đất, mỹ quan, quy hoạch..., cả hai loại hình trên đều được ngành lâm nghiệp chú trọng về chất lượng cây giống, kỹ thuật cũng như cách chăm sóc.

Hình thành những điểm xanh

 

Nhiều khu đô thị mới, tuyến đường mới vừa mọc lên qua địa bàn T.P Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang... đã mở ra hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, cây xanh cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng tạo cho bộ mặt các khu đô thị mới, tuyến đường mới thoáng, xanh sạch đẹp hơn. 

 

Để tạo điểm nhấn không gian xanh cho những công trình mới như khu đô thị An Vân Dương, Phú Mỹ Thượng, các vị trí trung tâm thành phố mới mở..., quỹ đất dành để trồng cây xanh tạo bóng mát, các tiểu khuôn viên được các đơn vị đầu tư, thiết kế quan tâm đưa vào quy hoạch chi tiết. Việc quy hoạch tại các khu đô thị mới này thành một hệ thống các không gian xanh từ các bồn hoa, vườn hoa, cây xanh đường phố cho đến các công viên vừa và nhỏ góp phần phục vụ nhu cầu giao tiếp, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cho người già, trẻ em và cư dân khu đô thị. Hơn nữa, đây còn là mục tiêu của Thừa Thiên Huế tập trung phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đường phố, khu dân cư xanh - sạch - đẹp, xứng tầm thành phố du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường.

Trước đây, việc trồng cây phân tán theo phát động của các cấp, các ngành, địa phương chưa chú trọng nhiều đến chất lượng cây giống về kích thước, chủng loại, kỹ thuật trồng..., nên sau mỗi đợt phát động ra quân trồng cây vào dịp đầu xuân mới, tỷ lệ cây sống và phát triển chưa cao. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tại các khu vực trồng cây phân tán, cây trồng được chọn với kích thước cao từ 4m đến 5m, cây khỏe, đảm bảo tỷ lệ sống cao và tốc độ sinh trưởng tốt. Cây được chọn trồng là những cây lớn, tạo bóng mát nhanh như sao đen, xà cừ, bằng lăng...

 

Tăng giá trị

Ngoài phong trào trồng cây phân tán, tập trung nhằm tạo những điểm nhấn xanh ở các vị trí quan trọng, trồng rừng kinh tế đã trở thành công việc thường niên và thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia. Hơn 10 năm trở lại đây, giá trị về rừng trồng đã được khẳng định, người dân được tạo điều kiện cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và có nhiều dự án tham gia hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật. Nhờ đó, số lượng cũng như chất lượng rừng trồng ngày càng tăng. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh hơn 94 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng lên xấp xỉ 57%.

Theo ông Phạm Đình Văn, Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, những năm trở lại đây, người dân đã thay đổi nhận thức tập quán từ chỗ trồng rừng dựa vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước sang nguồn vốn tự có hoặc vốn vay tín dụng. Từ đó, người dân đã có trách nhiệm cao về chất lượng rừng trồng của mình. Nhiều hộ đã chú trọng đầu tư thâm canh, chất lượng cây giống nên rừng trồng phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi ha rừng trồng thu được lãi ròng từ 60 triệu đồng trở lên. Hơn nữa, nhờ được xác định chủ quyền sử dụng đất rừng nên họ yên tâm trong canh tác, thúc đẩy trồng rừng cả về số lượng và chất lượng, giải quyết được tình trạng tranh chấp đất đai. Ngoài ra, diện tích rừng trồng tăng lên góp phần giảm diện tích đất đồi núi chưa sử dụng, tăng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường rất đáng kể.

Các chủ rừng trồng trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lợi thế về đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nằm ở phía Nam của tỉnh có đến 3 nhà máy chế biến gỗ dăm xuất khẩu lớn với công suất hơn 400 ngàn tấn sản phẩm dăm gỗ/năm; một số nhà máy sản xuất đồ mộc xuất khẩu với công suất trên 15 ngàn mét khối gỗ/năm và hàng trăm cơ sở chế biến gỗ nguyên liệu và sản xuất đồ mộc dân dụng. Giá thành nguyên liệu gỗ theo đó cũng tăng cao. Bình quân một tấn gỗ dăm chế biến nguyên liệu giấy khoảng 5 năm tuổi có giá từ 800 đến 850 ngàn đồng. Đối với cây rừng trên 7 năm tuổi dùng làm gỗ xẻ có giá khoảng 3,5 triệu đồng/tấn. Với đầu ra thuận lợi và giá trị về rừng ngày càng tăng, nhiều chủ rừng đã chú trọng vào chất lượng cây giống, chăm sóc, để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác lên cao hơn. Đây cũng là giải pháp bền vững trước thực trạng nhu cầu trồng rừng tăng mà quỹ đất để trồng rừng sản xuất ngày càng thiếu hụt.

Khi thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng gỗ, ngoài khuyến khích xã hội hóa nghề rừng, tăng diện tích rừng trồng, ngành lâm nghiệp tỉnh đang chú trọng ưu tiên hướng đến trồng rừng chuyên nghiệp hơn với việc sử dụng nguồn giống tốt, kỷ thuật trồng, chăm sóc rừng khoa học. Để đáp ứng tiêu chí trên, ngoài xây dựng các mô hình giống chất lượng cao, tăng trưởng tốt như keo lai hom, keo lai mô, keo tai tượng thuần loài, ngành lâm nghiệp đang khuyến khích người dân kéo dài thời gian lấy gỗ, đầu tư trồng đa dạng loài, như trồng hỗn giao với cây lá rộng bản địa kinh doanh gỗ lớn... cho năng suất và hiệu quả kinh doanh rừng bền vững.


TTH