In trang
Trồng rau theo hướng Vietgap tại xã Quảng Thành

Quảng Điền: Đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật lúc : 16:59 04/02/2025

“Nâng cao chất lượng xây dựng NTM nâng cao gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất” là vấn đề then chốt để đưa Quảng Điền ngày càng phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua Huyện đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với quá trình đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp.

Huyện Quảng Điền có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 10.340,7 ha, hơn 775,14 ha nuôi thủy sản nước ngọt và nước lợ, hàng trăm ha mặt nước phá Tam Giang và biển. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Điền vươn lên phát triển kinh tế. Những năm trở lại đây nông nghiệp của huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí của ngành trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 80% dân cư khu vực nông thôn. Tuy nhiên, cùng với bối cảnh kinh tế chung của cả nước, nông nghiệp của huyện Quảng Điền còn bộc lộ những hạn chế trong quá trình phát triển như: Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hoá chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình. Để đưa nền kinh tế của huyện phát triển theo hương tăng trưởng và bền vững, huyện Quảng Điền đã triển khai nhiều chương trình giải pháp thúc đẩy phát triển triển kinh tế trong đó chú trọng đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Tại địa bàn xã Quảng Lợi, bà con nông dân trên địa bàn xã đã triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp một cách tích cực. Đến nay, toàn xã đã chuyển hơn 150 ha đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây rau màu, ớt, ném, dưa hấu... Hầu hết các loại cây sinh trưởng tốt, thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Trong đó, nổi bật là cây ném và cây dưa hấu, bà con thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa, bình quân mỗi ha dưa hấu cho thua nhập trên 150 triệu đồng/năm, và trên 250 triệu đồng/năm/ha đối với cây ném.

Nông dân Quảng Thọ với mô hình trồng rau má

“Từ mô hình trồng ném, dưa hấu đã mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã. Việc làm này không chỉ thay đổi tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đây là định hướng đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện giải pháp phát triển kinh tế, xã hội ở một xã vùng khó khăn chúng tôi” ông Phan Đăng Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi bộc bạch.     

Tại địa bàn xã Quảng Thành, đến nay toàn xã đã đưa vào trồng 37,5 ha rau xanh theo hướng Vietgap điển hình trong phong trào này là nông dân Nguyễn Đình Định ở thôn Thành Trung.  Anh Nguyễn Đình Định cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của xã, gia đình đã mạnh dạn chuyển những diện tích trồng rau xanh sản xuất truyền thống trước đây sang trồng theo quy trình Vietgap. Sau khi trồng theo quy trình Vietgap thị trường tiêu thu ổn định hơn từ đó thu nhập đã tăng lên đáng kể, đời sống của gia đình được ổn định, khấm khá hơn”.

Cùng như gia đình anh Định, hiện nay nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Quảng Thành đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với mục đích đẩy mạnh tái cơ cấu nên nông nghiệp của xã phát triển theo hướng hiện đại như mô hình nuôi lợn đệm lót sinh học của gia đình hội viên ông Trần Văn Hường ở thôn An Thành, mô hình chăn nuôi lươn của gia đình Ngô Tư ở thôn Kim Đôi… 

Nông dân Quảng Phú chăm sóc lồng cá trên sông

Theo ông Nguyễn Đình Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, UBND xã đang triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: Quy hoạch tổng thể ngành nông, thủy sản chi tiết đến từng vùng. Nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ tạo sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch, giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ kinh phí cho các mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến tạo sản phẩm an toàn, giá trị kinh tế cao, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu ngành nông nghiệp, có sáng tạo và được nhân rộng trên địa bàn xã.

Để chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mang lại hiệu quả. Huyện Quảng Điền đã tập trung vào các nhóm giải pháp đó là: Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống của nông dân các vùng nông thôn và giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất ngành đạt tốc độ tăng bình quân 6-8%/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt trên 50.000 tấn, diện tích trồng lúa chất lượng 2.000 ha, tổng sản lượng thịt hơi trên 10.000 tấn. Trên lĩnh vực thuỷ sản tiếp tục ổn định diện tích nuôi 735 ha, vận động nhân dân tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi. Đẩy mạnh nuôi nước ngọt theo hướng đa dạng hình thức, đối tượng nuôi, tạo bước đột phá trong phát triển, nâng cao sức cạnh tranh với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng một ngành nông nghiệp sạch. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao: Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư; thu hút doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đẩy nhanh Chương trình nông thôn mới, trên tinh thần “lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp” và “cộng đồng dân cư là chủ thể chương trình” nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động.

Mô hình nuôi lợn đệm lọt sinh học tại xã Quảng Phú

Huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành trên 100 triệu đồng/ha. Mở rộng diện tích trồng lúa và rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sử dụng công nghệ sạch chiếm 25-30% diện tích sản xuất (trong đó hữu cơ trên 5%). Phát triển các vùng rau sạch, an toàn thực phẩm tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tiếp tục cải tạo vườn theo hướng gắn với xây dựng vườn mẫu, thôn kiểu mẫu. Phấn đấu xây dựng 300 vườn và cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Để thực hiện thành công chủ trương này, ngành nông nghiệp đã đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nhóm giải pháp như: Tập trung cho công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch; gắn tái cơ cấu nông nghiệp với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng nhanh khoa học công nghệ trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức, năng lực quản lý cho các chủ trang trại, nông dân nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, giup cho nông dân làm chủ quy trình đối với các đối tượng sản xuất cụ thể. Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, chuyên nghiệp hoá người nông dân và đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp từ huyện đến xã.

Công Cường