Quảng Điền: 20 năm thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ
Cập nhật lúc : 21:26 07/07/2022
Cũng như nhiều địa phương khác, cách đây 20 năm huyện Quảng Điền còn rất nhiều khó khăn về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, ngày 04/10/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nghị định 78/NĐ-CP của của Chính Phủ đã thổi luồn gió mới làm thay đổi đời sống vật chất tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn Quảng Điền từ đó đã có những đổi thay rõ rệt.
Để sớm đưa Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ vào cuộc sống, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Điền được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 632/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH. Cơ cấu mô hình quản lý hiện nay của NHCSXH huyện gồm: Bộ phận quản trị là Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Bộ phận điều hành tác nghiệp là PGD NHCSXH huỵện. Để Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai có hiệu quả, huyện Quảng Điền đã triển khai đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị xã hội.
Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có điều kiện tổ chức sản xuất, đổi mới phương thức canh tác, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Như nhiều hộ dân khác, gia đình chị Trương Thị Phương, tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo. Trước đây gia đình chị rất khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn để trang trãi lo cuộc sống hàng ngày. Năm 2015, chị được vay vốn chính sách xã hội để sản xuất - kinh doanh, xây chuồng trại, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng như chị Phương, gia đình ông Nguyễn Thuận ở vùng trang trại rú cát xã Quảng Vinh nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách ông đã mở rộng mô hình kinh tế gà, lợn, cây lâm nghiệp, bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Những năm qua NHCSXH huyện Quảng Điền đã cùng các tổ chức chính trị- xã hội thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, NHCSXH huyện Quảng Điền đã cùng các Hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, đoàn thể các cấp, của tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay; tham gia chứng kiến việc giải ngân, đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng hạn, hướng dẫn cho các hộ vay vốn tín dụng chính sách cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả. Hiện nay, 04 Hội đoàn thể đang quản lý 247 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 376.402 triệu đồng, chiếm 99,86% trong tổng dư nợ của PGD huyện. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 79 tổ, dư nợ 106,6 tỷ đồng; Hội Phụ nữ quản lý 126 tổ, dư nợ 211,8 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 33 tổ, dư nợ 43,4 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên quản lý 9 tổ, dư nợ 14,4 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo NHCSXH huyện phối hợp cấp ủy, chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị xã hội các cấp làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định. Các hộ nghèo trên toàn địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế bền vững như chăn nuôi trâu bò, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi cá, mô hình cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, NHCSHXH huyện Quảng Điền đã giải ngân hơn 1.454 tỷ đồng, cho 78.970 lượt khách hàng vay vốn, giúp cho 10,5 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cải thiện được đời sống; thu hút, tạo việc làm cho hơn 5,4 ngàn lao động; hơn 4 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phục vụ học tập; hơn 21,4 ngàn công trình nước sạch và vệ môi trường nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, sữa chữa, nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng mới gần 500 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 35 căn nhà dành cho người thu nhập thấp theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hơn 8,1 ngàn khách hàng được vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn. Vốn tín dụng chính sách đã bám sát theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu giảm nghèo của địa phương… Mặt khác, người vay vốn không những được hưởng lợi từ chính sách mà còn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên và duy trì ổn định, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đến nay, tỉ lệ nợ quá hạn toàn huyện chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện qua từng năm. Năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo 23,46%, hộ cận nghèo 17,23%; năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo 13,79%, hộ cận nghèo 7,92%; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo 3,83%, hộ cận nghèo 5,92%. Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, có sự kết hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, sự gắn bó với người dân thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước và đem lại hiệu quả thiết thực.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại NHCSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, là trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng được mối liên kết tốt giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương trong huyện hoàn thành các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần rất lớn vào quá trình thực hiện thành công huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới và hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Công Cường
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/