Phú Lộc: Giải pháp nuôi cá lồng tránh thiệt hại trong mùa mưa lũ
Cập nhật lúc : 17:11 10/03/2024
Mô hình nuôi cá lồng trên sông hoặc tại các vùng đầm phá ven biển của huyện Phú Lộc hiện nay đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Tuy nhiên mô hình này cũng gặp nhiều rủi ro, nguy cơ thiệt hại rất cao nhất là vào mùa mưa lũ. Nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, ngành nông nghiệp của huyện và chính quyền các địa phương đã có những giải pháp để mô hình phát huy được hiệu quả.
Ông Nguyễn Cư, thôn Hiền An 1 là một trong những hộ điển hình phát triển nuôi trồng thủy hải sản có quy mô lớn ở xã Vinh Hiền với 20 lồng cá các loại. Nhờ thực hiện theo các khuyến cáo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nên việc nuôi cá lồng của gia đình ông Cư trong mùa mưa lũ ít bị ảnh hưởng, lợi nhuận hằng năm ít nhất 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Cư hào hứng nói: “Khác với mọi năm thì năm nay tôi có nuôi dặm thêm cá bớp. Từ đầu năm 2024 đến nay, trừ đi các khoản chi phí thì lợi nhuận của nghề nuôi cá lồng là 150 triệu đồng, chưa kể số lượng cá nuôi vượt lũ”.
Bà con nuôi các loại cá có giá trị cao như cá bớp, vẩu, mú, nâu, hồng...
Xã Vinh Hiền là địa phương nuôi cá lồng trên đầm phá nhiều nhất của huyện Phú Lộc với 1.600 lồng của 350 hộ chủ yếu nuôi các loại cá có giá trị cao như cá bớp, vẩu, mú, nâu, hồng... Nhờ nuôi cá lồng mà nhiều ngư dân trong xã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học thành tài, có hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên cũng có một số năm, vì cố tình để cá qua mùa mưa lũ nhằm được giá mới xuất bán khiến họ thiệt hại nặng nề.
Ông Lê Thiết, Chi hội trưởng Chi hộ nghề cá nuôi cá lồng xã Vinh Hiền chia sẻ: “Các hộ dân quyết tâm nuôi vượt lũ để đến tết cá có giá cao hơn. Bên cạnh đó có một số cá giống nên bắt buộc phải nuôi vượt lũ”.
Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền thông tin, bà con ngư dân trên địa bàn xã đã bán gần hết cá thương phẩm. Đối với số lượng còn lại nuôi vượt lũ thì chính quyền chỉ đạo các ban ngành, chi hội nghề cá khuyến cáo bà con nhấn chìm lồng xuống đáy để đảm bảo độ mặn.
Bà con gia cố lại lồng bè.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường nên việc nuôi cá lồng mùa bão lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhiều hộ nuôi cá lồng tại huyện Phú Lộc đã chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như đầu tư thêm thùng phao nổi; gia cố lại lồng bè, mua lưới chắn xung quanh các lồng cá; di chuyển lồng đến những vùng có dòng nước chảy yếu hơn để hạn chế thiệt hại.
Ông Phạm Văn Đào, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con, những lồng cá nào đạt giá trị thương phẩm thì phải thu hoạch trước mùa mưa bão, lũ xảy ra. Đối với những lồng cá chưa đạt giá trị thương phẩm thì bà con thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó phù hợp và chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật để cá đạt giá trị thương phẩm.
Toàn huyện Phú Lộc có diện tích nuôi cá lồng khoảng 45ha với khoảng 4.300 lồng, đây là nguồn thu nhập của chính của nhiều hộ dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp của huyện và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, đồng thời nghiên cứu triển khai thêm nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biển đổi khí hậu.
Ngư dân cho cá ăn.
Ngọc Hiếu
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/