Phong Điền phát huy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Cập nhật lúc : 16:19 05/07/2024
Phát triển kinh tế trang trại, giải quyết việc làm, nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ dân tại huyện Phong Điền đã biết khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao tiêu chí thu nhập góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Trên diện tích 2 ha đất đồi, năm 2015 gia đình ông Nguyễn Văn Tin xã Phong Mỹ huyện Phong Điền đã vào khai hoang lập nghiệp để hình thành mô hình kinh tế trang trại. Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ưu đãi với số tiền 120 triệu đồng cùng với số tiền tích góp của gia đình, ông đã mạnh dạn xây các mô hình phát triển kinh tế trang trại. Qua thời gian đến nay gia đình ông Tin đã hình thành mô hình kinh tế trang trại với 32 con bò, trong đó có 11 con bò sinh sản; đàn dê 15 con; 1 ha cây su cùng với đó ông trồng thêm cây tràm các loại. Hàng năm mô hình kinh tế trang trại gia đình ông Tin trừ mọi khoản chi phí, ước tính cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đây được mô hình phát triển kinh tế trang trại được xem là điểm sáng, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn đây là mô hình kinh tế gia trại của gia đình ông Hoàng Ngọc Phương vừa được gia đình ông bắt tay thực hiện đầu năm 2024. Trên diện tích 0,7 ha đất sẵn có của gia đình và được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Điền với số tiền 100 triệu đồng, gia đình ông Phương đã mạnh dạn cải tạo đất vườn mua cây giống các loại như Nho, Táo, Bưởi da xanh, Thanh Trà…và đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động khép kín. Ngoài ra, từ nguồn vốn tự có của gia đình, ông Phương cũng đã trồng thêm 1.000 khóm dứa, 200 gà giống và hơn 200 gốc chuối trái vụ. Với mô hình kinh tế gia trại này, thời gian tới sẽ giúp gia đình ông Phương có nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống cũng như nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Mô hình kinh tế gia trại của gia đình ông Hoàng Ngọc Phương
Để giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác kịp thời tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống kinh tế. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến nay hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn các xã vùng gò đồi của huyện Phong Điền đã xây dựng thành công nhiều mô hình trang trại, phát triển sản xuất chăn nuôi, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn. Trong 04 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Điền đã giải ngân 87,2 tỷ đồng cho hơn 2.000 lượt khách hàng được vay vốn, nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 560 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng 7,28%. Trong đó, nguồn uỷ thác địa phương đạt 27,5 tỷ đồng, tăng 6,9 tỷ đồng so với đầu năm. Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phong Điền có thêm vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi… để phát triển kinh tế của địa phương để từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần không nhỏ để giảm nghèo bền vững hàng năm. Đây là tiền đề quan trọng để sớm xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Mô hình kinh tế trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Tin
Ông Trương Công Huy, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thời gian tới Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Điền sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết của Huyện uỷ, HĐND về phát triển KT-XH tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn một cách hiệu quả nhất. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho bà con, nhân dân trên địa bàn huyện có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng đến công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn, xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình để nhân rộng; đảm bảo tính công bằng, dân chủ, khách quan trong công tác bình xét. Củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng để phát triển một cách bền vững hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trần Minh
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/