In trang

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động nghề đi biển
Cập nhật lúc : 16:39 03/09/2024

Thiếu hụt Lao động nghề đi biển - (hay thiếu hụt bạn thuyền) là tình trạng chung của nhiều địa phương ven biển trong những năm trở lại đây, đặc biệt là sau thời điểm Tết Nguyên đán. Dù chính quyền địa phương cùng các ban ngành thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong khuyến khích, hỗ trợ ngành khai thác biển xa, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khiến nhiều người trẻ trong độ tuổi lao động vẫn không mấy mặn mà với ngành nghề truyền thống này của cha ông.

Kết thúc tháng Giêng Âm lịch hằng năm cũng là thời gian cao điểm mà các tổ đội đánh bắt xa bờ vươn khơi vụ cá Nam. Hơn 30 năm “bám theo đuôi con cá”, theo ngư dân Nguyễn Khơ, chưa bao giờ tình trạng thiếu hụt lao động biển diễn ra trầm trọng như hiện nay. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến vươn khơi, mỗi tàu thuyền cần ít nhất từ 08 đến 10 thuyền viên có kĩ năng, tay nghề. Tuy nhiên, “đỏ mắt cũng không tìm thấy bạn thuyền” là câu chuyện không hiếm của nhiều chủ tàu hiện nay. Ông Nguyễn Khơ - Phó Chủ tịch Hội nghề cá phường Thuận An, TP Huế chia sẻ: “Chưa bao giờ tìm bạn thuyền khó khăn như hiện nay, đa số các bạn thuyền cũ của tôi giờ đều làm nghề khác. Không chỉ mỗi tàu tôi mà là thực trạng chung của nhiều tàu khác tại đây”.

Thiếu lao động biển sau Tết cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương ven biển như thị trấn Thuận An, Thành phố Huế, các xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tâm lí bạn thuyền còn nghỉ ngơi hưởng Tết, nghề khai thác xa bờ hiện gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, giá hải sản về bờ lại thấp khiến chi phí mỗi chuyến biển bị đội lên. Điều này khiến nhiều chuyến ra khơi trở về hầu như không có hoặc rất ít lãi trong khi môi trường làm việc nhiều áp lực, rủi ro, nhiều lao động nghề biển vì thế cũng không mấy mặn mà.  Anh Trần Văn Nhuận, Ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang “Kinh tế khó khăn quá, đi một chuyến về tiền lãi được chia cho bạn thuyền như chúng tôi không bằng các nghề khác trên bờ. Lớp thanh niên hiện đã chọn nghề khác dễ làm, thu nhập ổn định hơn như thợ nề hay xuất khẩu lao động”.

Biến động theo giá thị trường khiến mỗi chuyến biển trở nên “bấp bênh” với người ngư dân chỉ là một phần nguyên nhân. Còn một nguyên nhân khác đó là hiện nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy hải sản tại các địa phương đang chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. “Các mối liên kết vẫn chủ yếu dựa vào quan hệ lâu năm giữa các chủ tàu và đầu nậu thương lái nhỏ lẻ, trong khi các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thì ngày càng phải đối mặt với các quy định về xác minh nguồn gốc ngặt nghèo từ phía các đối tác trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến việc nâng cao giá trị hải sản về bờ vẫn là một bài toán nan giải” bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang chia sẻ.

Khảo sát nhanh từ đầu năm đến nay, số lượng lao động biển các địa phương đã sụt giảm từ 25% - 30% so với cùng kì và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn lúc nào hết, chính quyền và ngành chức năng cần sớm có những giải pháp căn cơ và kịp thời hơn, qua đó giúp ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, yên tâm vươn khơi bám biển để làm giàu từ biển cũng như góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

Thành Nhân