In trang

Nam Đông: OCOP - hướng đi bền vững cho sản phẩm nông nghiệp
Cập nhật lúc : 22:34 10/08/2022

“Mỗi xã một sản phẩm” OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Kể từ khi triển khai, đến nay trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông đã có 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Chương trình này đã góp phần từng bước thay đổi tập quán sản xuất; khai thác, phát huy lợi thế tạo ra hướng đi mới thích hợp và và thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Phát huy lợi thế của địa phương là nơi có nhiều cây dược liệu quý, ông Tà Rương Mão, một người dân tộc Cơtu ở xã Thượng Long đã ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu về các loại cây dược liệu quý nơi mình sinh sống và quyết định thành lập cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây dược liệu kết hợp bí quyết của gia đình để cho ra đời loại rượu sinh dưỡng “Tà Rương Mão”. Loại rượu này được kết hợp hài hòa giữa cách nấu rượu truyền thống của dân tộc Cơ Tu với việc sử dụng bằng men rượu thảo dược, một loại men được người Cơtu sử dụng từ rất lâu đời, không chỉ để làm rượu mà còn sản xuất ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, trị các bệnh như đau nhức tay chân, đau bụng, lưng, kén ăn… sau một thời gian ngắn, năm 2021 rượu “Tà Rương Mão” đã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Tà Rương Mão, Chủ cơ sở Rượu Tà Rương Mão, xã Thượng Long, huyện Nam Đông chia sẻ: “Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, tôi đã mở rộng sản xuất, nguyên liệu thì nhờ bà con đi rừng kiếm về cung cấp cho tôi như: Thạch xương bồ, riềng rừng, bạc hà rừng.... Tôi đã đưa sản phẩm này đi tham gia các hội chợ thương mại do Sở Công thương, Sở Nông nghiệp... tổ chức. Đến nay, trung bình 1 tháng tôi sản xuất được hơn 450 chai rượu, thu nhập cũng ổn định. Được sự quan tâm của xã, tôi đã liên hệ mượn địa điểm trường Mầm non, để tổ chức mở lớp truyền dạy thu hút bà con tham gia, qua đó tạo công ăn việc làm cho bà con trong thôn bản”.

Những năm qua, cam Nam Đông đã dần khẳng định được chổ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, khi được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi chất lượng quả thơm ngon, mọng nước, vị ngọt thanh đặc trưng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị cạnh tranh và thương hiệu cam Nam Đông, người trồng cam trên địa bàn huyện đã tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, mới đây đã có 4 cơ sở với 24 hộ được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, gồm: HTX NN hữu cơ Nam Đông, HTX NN Hương Xuân, Tổ hợp tác phát triển Cam Hương Phú và HTX NN Hương Hòa. Như vậy, hiện nay cam Nam Đông đang sở hữu 3 chứng nhận quan trọng gồm: Nhãn hiệu Tập thể Cam Nam Đông; sản phẩm OCOP 3 sao và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điều này đã và đang ngày càng khẳng định chất lượng, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị và thương hiệu cam Nam Đông để có đầu ra ổn định và phát triển ở nhiều thị trường mới. Đồng thời, cho thấy việc lựa chọn đúng sản phẩm OCOP của từng xã sẽ góp phần thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Nói về lợi thế của cây cam, anh Nguyễn Hữu Tuệ, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Nam Đông đánh giá: “Trong các sản phẩm đạt OCOP, thì cây cam là một trong những sản phẩm rất lợi thế, bởi cây cam vùng nguyên liệu tập trung, với diện tích khá lớn; thị trường đầu ra tương đối ổn định hơn so với các sản phẩm OCOP khác; đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đã được phân phối tại một số cửa hàng nông sản và siêu thị trên địa bàn tỉnh”.

Sau 3 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay huyện Nam Đông đã có 4 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm: Mật ong ruồi Nam Đông, Rượu Tà Rương Mão, Cam và Chuối tiêu đặc sản Nam Đông. Đồng thời, mỗi xã đều xác định được một sản phẩm lợi thế nhất để tập trung phát triển. Giờ đây, khi nhắc đến Nam Đông nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm đặc trưng của vùng đất này, như: Mật ong, dứa, chuối, cau, rượu nếp, cam, xà lách xoong, du lịch cộng đồng.... để có được sự định vị, nhận biết nhanh chóng này là cả một quá trình nỗ lực tạo dựng thương hiệu, chất lượng và uy tín các sản phẩm nông, đặc sản nơi đây của chính quyền và người dân huyện Nam Đông. Anh Nguyễn Hữu Tuệ, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Nam Đông cho biết thêm: “Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về Chương trình OCOP, để mọi người hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương; và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP. Chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, ưu tiên các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng và dân tộc”.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững, huyện Nam Đông tiếp tục củng cố, nâng cấp ít nhất 02 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; phát triển mới trên 4 sản phẩm; phát triển 01 điểm du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.... đồng thời, tập trung đưa các chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống siêu thị, cửa hàng sản phẩm nông nghiệp... Qua đó, tạo sức lan tỏa, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế nông thôn, miền núi phát triển góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đông đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Quỳnh Trang