Hội thảo “Phục hồi rừng - Thực tiễn và bài học”
Cập nhật lúc : 14:04 12/08/2023
Vừa qua, tại Thành phố Huế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Phục hồi rừng - Thực tiễn và bài học”. Tham dự hội thảo có ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn; ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh; bà Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt; ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, bà Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt cho biết, với mục tiêu phục hồi rừng sau chiến tranh trên những vùng đất thoái hoá, sau hơn 2 năm triển khai các hoạt động phục hồi rừng (PHR) sau chiến tranh tàn phá bằng cây bản địa đa loài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt đã triển phục hồi rừng trên địa bàn tỉnh từ tháng 8 năm 2021 với diện tích hơn 75 ha tại Khe Liềm thuộc Khu Bảo tôn Thiên nhiên Phong Điền; khu vực rừng Hồng Tiến, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Đụt và Ta Ay xã Trung Sơn huyện A Lưới với hơn 90.000 các loài cây bản địa. Mặc dù các mô hình được triển khai trên các loại đất rừng và lập địa khác nhau, do các chủ thể quản lý khác nhau. Song, với việc áp dụng các phương pháp tiếp cận, giải pháp kỹ thuật mới và kỹ năng quản lý công trình trồng rừng bản địa khác biệt nhưng bước đầu đã mang lại những kết quả trên cả mong đợi như nhiều chủ rừng và các bên liên quan nhận xét, đánh giá. Đây là thời điểm thích hợp để đánh giá giữa kỳ, sơ kết đúc rút kinh nghiệm, kịp thời lan toả, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về phục hồi rừng bằng cây bản địa đa loài mô phỏng từ rừng tự nhiên nhằm có định hướng ưu tiên nguồn lực phục hồi rừng bản địa đa loài để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Tại hội thảo, đã có các tham luận về tình hình đầu tư trồng rừng bản địa và cơ hội phát triển; kết quả bước đầu và triển vọng nhận rộng mô hình trồng rừng bản địa đa loài; rừng phòng hộ dựa vào nội lực cộng đồng nhìn từ phương pháp tiếp cận mới. Bên cạnh đó diễn ra thảo luận bàn tròn giữa Khu Bảo tôn Thiên nhiên Phong Điền, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương; Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, cuộc thảo luận đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao triển vọng nhân rộng mô hình trồng rừng bản địa đa loài do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt tài trợ, ưu tiên chất lượng và hiệu quả trồng rừng mới và cải thiện chất lượng rừng hiện có. Trong đó, sự đồng hành của địa phương và tâm huyết của chủ rừng là điều kiện tiên quyết để thành công.
Trong những năm qua, cùng với chương trình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, thông qua các dự án, Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng rừng bản địa đa loài, nhằm cải thiện, phục hồi hệ sinh thái, tạo vành đai xanh vùng đệm, góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống ven rừng; càng bảo vệ và phát triển rừng tốt thì người dân càng hưởng lợi nhiều theo các chương trình dịch vụ môi trường rừng, thu nhập từ dịch vụ hệ sinh thái như lưu giữ carbon rừng và nguồn nước, góp phần thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2025.
Trần Minh
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/