Hỗ trợ thu mua hải sản đánh bắt xa bờ cho ngư dân
Cập nhật lúc : 13:51 05/02/2016
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại buổi họp khẩn với các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thị xã ven biển của tỉnh; hai siêu thị BiC và Co.opmart Huế vào sáng ngày 01/5/2016 nhằm giải quyết đầu ra hải sản trước tình trạng ngư dân đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Trong thời gian qua, trước thông tin ô nhiễm môi trường ở vùng biển Bắc Trung Bộ và việc cá chết trôi nổi trên vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, bước đầu đánh giá và dự báo các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hiện nay, tình trạng cá chết dạt vào vùng ven biển ở địa bàn tỉnh đã giảm, các ngư dân đã ra khơi tiếp tục đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy nhiên, hiện nay lượng hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân có chất lượng tốt nhưng khó tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến sinh kế của nhân dân vùng ven biển.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân ven biển tại các địa phương ven biển của tỉnh, tại buổi họp các sở, ngành và địa phương đã tập trung bàn giải pháp tiêu thụ hải sản cho ngư dân nhằm ổn định tình hình đời sống cho nhân dân vùng ven biển của tỉnh.
Siêu thị Co.op Mart Huế hứa sẽ thu mua toàn bộ sản lượng của ngư dân đánh bắt nếu không bán được, hoặc bán không hết hay bị tư thương ép giá với điều kiện sản phẩm phải được chứng nhận tại chỗ, đảm bảo đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi, an toàn. Các địa phương, ban ngành phải dự ước sản lượng, để siêu thị chủ động nhân lực thu mua tại các bến cảng; đồng thời phân loại hải sản, vận chuyển đến hệ thống các siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc tiêu thụ. Siêu thị BigC cũng hứa sẽ tiêu thụ một lượng lớn hải sản của ngư dân và nguồn sản phẩm sau khi thu mua sẽ ướp đông lạnh, phân phối đến 33 đơn vị siêu thị trên cả nước.
Về nguồn vốn vay của ngư dân và hộ nuôi cá trên lồng, bè, một số ngân hàng thương mại cũng hứa tạo điều kiện và hỗ trợ cho những hộ nuôi cá bị thiệt hại và ngư dân vay vốn đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67; trong đó có các chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn, miễn lãi suất… cho người dân.
Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã ven biển của tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng thông tin cho người dân, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường thời lượng truyền thông để dư luận xã hội yên tâm. Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương cần cung cấp kịp thời và công khai các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất lượng môi trường biển, nguồn gốc hải sản đánh bắt, việc hỗ trợ thu mua hải sản và giá bán cho người dân; các Sở cũng cần phải thiết lập đường dây nóng để xứ lý các thông tin từ các cơ quan, tổ chức và người dân; đồng thời tiến hành quan trắc thường xuyên ở tất cả các địa phương ven biển của tỉnh để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường biển cho người dân và du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã ven biển tiếp tục kiểm tra, tổ chức thu gom và tiêu hủy toàn bộ các loại hải sản chết trôi dạt vào bờ biển để không gây ô nhiễm môi trường biển; đồng thời rà soát số lượng cá chết của các hộ dân nuôi trên các lồng, bè để có chính sách hỗ trợ. Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển tổng hợp số lượng tàu và lượng hải sản đánh bắt xa vờ của ngư dân để các siêu thị BiC Huế và Co.opmart Huế hỗ trợ thu mua cho bà con ngư dân. Sau buổi họp này, các ngành chức năng phải đến các cảng biển đón tàu đánh bắt xa bờ trở về và chứng nhận sản phẩm an toàn tại chỗ.
Trước đó, ngày 30/4, Chi cục Thủy sản tỉnh đã công bố danh sách các loại hải sản ở tầng nổi xa bờ có thể sử dụng chế biến thực phẩm an toàn. Đó là các loại cá trích, nục, thu, ngừ, chim đen, cờ, hố, mực ống, cá trác, cá nhồng, cá bè, cá sòng…
Sông Hương
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/