Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã Hương Trà
Cập nhật lúc : 10:29 11/05/2021
Công tác kiểm tra, giám sát là nội dung được thực hiện hàng năm do Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) các cấp thực hiện. Năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan được Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnhThừa Thiên Huế phân công thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại thị xã Hương Trà. Đoàn kiểm tra do đồng chí Hồ Xuân Trăng - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn thị xã Hương Trà.
Tại 2 xã miền núi Bình Tiến và xã Bình Thành (TX Hương Trà), đi thăm một số mô hình vay vốn của các hộ gia đình trên địa bàn, sau đó đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND thị xã Hương Trà, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Hương Trà và Ngân hàng CSXH thị xã.
Qua kiểm tra đều ghi nhận các Ban giảm nghèo cấp xã đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định, công tác rà soát đối tượng vay vốn được thực hiện thường xuyên và kịp thời, đảm bảo mọi trường hợp đều tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện. Các mô hình kinh tế đều phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều trường hợp hộ gia đình được vay vốn chương trình học sinh sinh viên theo Quyết định 157 và có nhận xét tốt về chủ trương chính sách của Chính phủ. Về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Hương Trà đã tham mưu UBND thị xã cân đối ngân sách chuyển sang NH CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Trong năm 2021, UBND thị xã đã chuyển 01 đợt từ ngân sách bổ sung vốn cho NHCSXH thị xã với số tiền 500 triệu đồng trên tổng số chỉ tiêu do Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh giao là 1.000 triệu đồng, đạt 50% chỉ tiêu được giao. Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, tổng nguồn vốn UTĐT từ ngân sách thị xã tăng lên ở mức 2.749 triệu đồng; Trong đó nguồn vốn từ ngân sách thị xã là 2.500 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác cấp xã (chủ đầu tư khác) là 249 triệu đồng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã Hương Trà đến 30/9/2021 là trên 262,2 tỷ đồng, tăng so với thời điểm sau khi bàn giao 06 đơn vị cấp xã vào Thành phố Huế với số tiền trên 13,4 tỷ đồng; tăng so với 31/12/2020 là hơn 38,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 17,37%. Dư nợ bình quân tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 1.388 triệu đồng/Tổ TK&VV, dư nợ bình quân hộ là 39,7 triệu đồng/hộ. Chất lượng tín dụng được duy trì, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 74 triệu đồng trong đó Nợ quá hạn là 24 triệu đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ; nợ khoanh là 50 triệu đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ, là địa bàn nhiều năm liền có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn tỉnh.
Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã phối hợp với 04 tổ chức chính trị - xã hội (Nông dân-Phụ nữ-Thanh niên-Cựu chiến binh) xây dựng được mạng lưới gồm 189 Tổ TK&VV phủ kín khắp các thôn, tổ dân phố tại 9 xã, phường trên địa bàn toàn thị xã. Tổng số Tổ TK&VV là 189 tổ, do các tổ chức hội quản lý gồm Hội Nông dân 71 tổ, Hội Phụ nữ 98 tổ, Hội Cựu chiến binh 13 tổ và Đoàn Thanh niên 7 tổ. Công tác giám sát, chỉ đạo các Tổ TK&VV trong quá trình bình xét cho vay tại các thôn được quan tâm, quy trình bình xét cho vay đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ và đúng quy định; Công tác quản lý vốn vay ngày càng được coi trọng, các Hội đoàn thể theo dõi khá chặt chẽ và cụ thể số liệu cũng như tình hình dư nợ cho vay do mình quản lý. Công tác tuyên truyền vận động hộ vay trả gốc, lãi, tiết kiệm được thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn thị xã, thực sự là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Với việc đầu tư các nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cải thiện đời sống, ăn ở, đi lại, học hành, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp, các tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp một phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn thị xã từ 7,03% năm 2016 xuống còn 2,62% giữa năm 2021. Đặc biệt, góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng thành công 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con có kinh phí để mở rộng chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, có điều kiện để làm nhà, xây dựng cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nhiều học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, nhiều lao động được vay vốn tạo việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...
Theo Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế: “Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã Hương Trà là rất tốt, nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả cao nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, là động lực góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó có một phần không nhỏ từ nguồn vốn bổ sung từ ngân sách thị xã Hương Trà”.
Qua thực hiện kiểm tra, giám sát và làm việc với lãnh đạo UBND thị xã Hương Trà, với Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã, Đoàn kiểm tra cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị liên quan đến mở rộng đối tượng vay vốn là thành viên hộ mới thoát nghèo, đối vay vốn nhà ở xã hội là đối tượng có thu nhập thấp ở nông thôn và đề xuất, kiến nghị khác của Ban Đại diện HĐQT NHCSXH thị xã để báo cáo Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thời gian đến trên địa bàn thị xã Hương Trà.
Xuân Trường
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/