In trang

Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển
Cập nhật lúc : 07:50 06/02/2017

Nghị định 67/2014/NĐ-CP là một chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thủy sản. Sau hơn 2 năm triển khai và thực hiện cùng với sự quyết tâm của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân đã thực sự được thụ hưởng và phát huy hiệu quả từ chủ trương lớn này.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn

 

Trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của UBND tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển để triển khai Nghị định 67 cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, đồng thời tích cực tiếp cận ngư dân để tìm hiểu phương án sản xất kinh doanh. Các địa phương thực hiện niêm yết công khai điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ cũng như công khai việc thụ lý hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay vốn.

 

Tính đến ngày 15/5/2017, toàn tỉnh có 40 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện tham gia theo Nghị định 67 (39 tàu đóng mới, 1 tàu nâng cấp). Tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn đến thời điểm hiện tại là 181,84 tỷ đồng, trong đó cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng.

 

Tàu cá vỏ gỗ được hỗ trợ vốn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP

 

Hiệu quả mang lại cho người dân

 

Huyện Phú Vang là một trong những địa phương được đánh giá là khá tích cực trong việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Phú Vang có 29 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đóng tàu mới và tàu nâng cấp, trong đó có 21 chủ tàu đã được ký hợp đồng tín dụng và giải ngân hết phần vốn Ngân hàng cam kết 140,91 tỷ đồng, dư nợ hiện tại đạt 140,49 tỷ đồng. Cả 2 tàu vỏ thép của tỉnh đều là của ngư dân huyện Phú Vang.

 

Lễ bàn giao tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cho ngư dân Nguyễn Hôi ở huyện Phú Vang

 

Ông Nguyễn Hôi, chủ tàu vỏ thép mang số hiệu TTH- 99997.TS ở tại thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết, "Được phê duyệt hỗ trợ vốn đóng tàu theo chính sách của Nghị định 67 của Chính phủ, ngày 25/2/2017, tàu đã được bàn giao cho ông và hạ thủy tại bến tàu Hải đội 2, thị trấn Thuận An. Tàu do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á thực hiện theo mô hình “Chìa khóa trao tay” trị giá 18,4 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư bỏ vốn 5%, còn lại do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ vay vốn 95%. Tàu có chiều dài 28,9m rộng 6,79m; chiều cao mạn sườn giữa 3,15m. Tàu được thiết kế và chế tạo theo tiêu chuẩn tàu biển cấp I Việt Nam, hoạt động an toàn ở vùng biển xa bờ hoặc xa nơi trú ẩn 200 hải lý, tốc độ di chuyển cao, khoang cá lớn, lượng nhiên liệu và nước ngọt dự trữ nhiều, có thể thực hiện những chuyến biển dài ngày".

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 27 tàu đóng hoàn thiện theo Nghị định 67, đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Bình quân mỗi chuyến biển, các chủ tàu thu được 80 triệu đồng tiền lợi nhuận, mỗi tàu giải quyết được 13 việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để ngư dân dễ dàng tiếp cận Nghị định 67, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, ngành ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục, tránh rườm rà, tích cực hướng dẫn ngư dân các điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá xa bờ…tạo mọi điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn, vươn khơi bám biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, Nghị định 67 của Chính phủ là một chính sách phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, góp phần vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, phát triển đội tàu khai thác xa bờ hướng đến một ngành khai thác hải sản chuyên nghiệp, bền vững, là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho ngư dân, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.

 

Ngọc Minh