Đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2023
Cập nhật lúc : 22:17 09/07/2023
Ngày 26/9, tại khách sạn Mường Thanh Huế đã diễn ra Hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2023. Ông Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế đã có xu hướng phát triển mạnh ở địa phương từ sau năm 2015 khi bến cảng Chân Mây số 1 được nâng cấp đi vào hoạt động. Theo số liệu công bố của Cảng Chân Mây, giai đoạn 2018-2019, số lượng khách du lịch tàu biển đến Thừa Thiên Huế chiếm từ 45-57% trong tổng số lượt khách tàu biển đến Việt Nam. Năm 2022 chỉ có 850 khách tàu biển theo tàu đến cảng Chân Mây, nhưng sau 7 tháng đầu năm 2023, đã có 13.300 khách tàu biển (chiếm 44% tổng số khách đến Việt Nam theo đường tàu biển) đến Cảng Chân Mây. Đó là tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi du lịch, khởi động lại hoạt động du lịch tàu biển quốc tế tới cảng Chân Mây và dự báo sẽ phục hồi tốt hơn từ sau năm 2023 với minh chứng là các số liệu đã đăng ký qua Cảng Chân Mây tăng dần từ năm 2024 đến năm 2026.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn một số bất cập, tồn tại liên quan đến việc vận hành hoạt động du lịch tàu biển cần được nhìn nhận, đánh giá và có giải pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời.
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2023 để nhìn lại quá trình 5 năm thực hiện của các ban ngành và doanh nghiệp, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đề nghị, kiến nghị liên quan đến những bất cập, vướng mắc và tồn tại liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế nhằm có những giải pháp cấp thiết, hiệu quả để tháo gỡ, đưa ra những giải pháp để phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của dòng khách du lịch bằng tàu biển.
Hội nghị cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu và đầu tư khai thác phát triển các sản phẩm gắn với du lịch tàu biển tại địa phương, là dịp để các đơn vị quản lý điểm đến và doanh nghiệp của địa phương cung cấp sản phẩm dịch vụ, giới thiệu các hoạt động và sản phẩm mới đến các công ty lữ hành nói chung và các hãng chuyên khai thác kinh doanh du lịch tàu biển nói riêng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận và phát biểu, nhìn nhận, đánh giá cũng như chỉ ra một số bất cập, tồn tại liên quan đến việc vận hành, triển khai hoạt động du lịch tàu biển, liên quan đến cơ sở vật chất kỹ thuật (thiếu xe trung chuyển, khu mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí với tiêu chuẩn quốc tế, nhà ga chuyên cho khách du lịch), công tác xúc tiến quảng bá và chính sách thu hút khách du lịch tàu biển đến Thừa Thiên Huế… Bên cạnh đó các đại biểu cũng đã góp ý, chia sẻ, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hơn các sản phẩm du lịch cũng như đề xuất tháo gỡ vướng mắc và khó khăn nhằm phát triển bền vững du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Sở Du lịch cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm tình trạng người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lấn chiếm luồng hàng hải, khu quay trở, khu neo đậu tàu tại khu vực hàng hải Chân Mây. Xem xét hỗ trợ giảm cảng phí cho các tàu du lịch vào cảng biển Thừa Thiên Huế định tuyến hoặc nhiều lần. Ngoài ra, kêu gọi đầu tư, các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đốc thúc các dự án đang triển khai trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển. Quan tâm triển khai các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ tốt hơn cho du khách tại khu vực cảng biển…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhận định, dù có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả… Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.
Trước những thực trạng đó, Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, giải quyết hợp lý, phù hợp, đảm bảo an toàn, an ninh nhưng phải tạo thuận lợi tối đa cho du khách. Thời gian tới, cần tăng thêm số lượng các doanh nghiệp quan tâm về khai thác khách tàu biển đến Huế. Cùng với đó, cần có giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách sử dụng các dịch vụ ở Huế. Ngoài ra, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách tàu biển như phương tiện vận chuyển, các nhà hàng, các điểm tham quan, các quầy hàng mua sắm, quà lưu niệm…
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong năm qua, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khá khả quan; tổng lượt khách du lịch đạt 2,05 triệu lượt khách, trong đó có hơn 260.000 lượt khách quốc tế. Trong 9 tháng năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt 2.435.135 lượt, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 745.563 lượt, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Cục Du lịch Quốc gia, các cấp lãnh đạo, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và du lịch tàu biển nói riêng; đặc biệt là nhận được sự đồng hành, hưởng ứng tích cực và hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành Du lịch sẽ cam kết sẽ cùng nhau làm việc, tìm các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ có tính độc đáo, đẳng cấp, khác biệt với mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách, phục vụ du khách càng ngày càng tốt hơn, đưa hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới; đồng thời hướng đến sự phát triển xanh, bền vững và thông minh, cũng như tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
Dịp này, các tập thể và cá nhân có thành tích trong thực hiện Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 của UBND tỉnh về quản lý về hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển Thừa Thiên Huế đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguyễn Thúc Nhân - Ảnh: Lê Đình Hoàng
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/