Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024: đạt mục tiêu vững mạng từ cơ sở
Cập nhật lúc : 22:46 01/12/2024
Việc khai thác và quản lý tốt nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang là mục tiêu lớn được tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm giai đoạn 2022 - 2030. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy kinh tế để đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị. Năm 2024, ngành thủy sản đặc mục tiêu từng bước vững mạnh từ cơ sở trong đó lực lượng nòng cốt là các Chi hội nghề cá của địa phương.
Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi – xã Phú Diên, huyện Phú Vang, những năm trước đây nổi tiếng với các loại cá có giá trị kinh tế như cá dìa, cá nâu, hay các giống cua tự nhiên... Tuy nhiên một thời gian dài do cộng đồng thiếu ý thức trong gìn giữ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản dẫn đến tình trạng khai thác tận diệt, cộng với thiếu sự quản lí cũng như các hoạt động tái tạo, nguồn lợi thủy sản tại khu mặt nước đầm phá hơn 20 ha này ngày càng cạn kiệt. Trước tình trạng trên, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi giao cho Chi hội nghề cá địa phương Thanh Mỹ - Phú Diên trực tiếp quản lý Khu bảo vệ nhằm tăng cường công tác bảo vệ nơi cư trú của thủy sản và tổ chức khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Thanh Mỹ chia sẻ: “ Trước đây khi chưa có khu bảo vệ, bà con ở đây đánh bắt khá bừa bãi, nhưng từ khi có khu bảo vệ thì có đội tự quản, tuần tra thì tình trạng này đã giảm rõ rệt”.
Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, sau gần 03 năm, cá tôm đã trở lại với mặt nước đầm phá Phú Diên, đời sống bà con nơi đây ngày một khởi sắc. Ông Trần Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên, huyện Phú Vang cho biết: “Sản lượng đánh bắt của địa phương năm nay tăng đến gần 20% so với cùng kì, qua đó mà đời sống bà con cũng được nâng lên!”.
Những đổi thay của Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Doi Chỏi cho thấy tầm quan trọng và cần thiết của việc phân cấp, phân quyền quản lý đến từng cơ sở. Tính đến năm 2023, TT – Huế có 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản với tổng diện tích hơn 12.000 ha đã được thành lập và tái cơ cấu theo quyết định của UBND tỉnh. Trong đó mỗi khu đều có quy chế quản lý, bảo vệ và quy chế sản xuất riêng phù hợp với đặc trưng của môi trường, diện tích mặt nước và cộng đồng ngư dân sinh sống tại vùng đó. Nguồn kinh phí duy trì các hoạt động quản lý, giám sát khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa trên sự đóng góp của bà con ngư dân và hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thông qua Hội nghề cá tỉnh. Với việc gắn kết chặt chẽ quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng, Khu BVNLTS ra đời đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT – Huế cho biết: “Thành công bước đầu là nhà nước đã chia sẻ được quyền lợi và trách nhiệm cho cộng đồng ngư dân. Qua đây, ngư dân đã sẵn sàng để tự mình bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cũng là bảo vệ sinh kế của bản thân”.
Năm 2024, bên cạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các “điểm nóng” với nạn khai thác thủy sản mang tính hủy diệt là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành thủy sản TT – Huế đặc biệt quan tâm, trong đó nòng cốt là lực lượng kiểm ngư địa phương. Đây là giải pháp căn cơ giúp sớm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm khai thác thủy sản hủy diệt, để người dân tự bảo vệ sinh kế của chính mình. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh TT – Huế :”Về định hướng phát triển ngành thủy sản trong năm 2024, cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, kiên quyết xử lí các hành vi xâm phạm ngư trường; ngoài ra cần tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: trong đó có hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục củng cố, kiện toàn các chi hội nghề cá cơ sở để bảo vệ sinh kế cho cộng đồng ngư dân”.
Hiện thực hóa mục tiêu khai thác và quản lý tốt nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái, bên cạnh những nỗ lực từ ngành chức năng, ý thức của mỗi cơ sở, tổ chức, cá nhân chính là biện pháp hữu hiệu để phát huy tối đa lợi thế thiên nhiên ban tặng cho TT – Huế. Qua đó, góp phần cân bằng hệ sinh thái, tạo công ăn việc làm và mang đến nguồn thu nhập chính đáng cho người dân địa phương.
Thành Nhân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/