Phong Điền tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Cập nhật lúc : 17:37 04/01/2025
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thị xã Phong Điền được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang ở thời điểm hanh khô và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn nắng nóng làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao. Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, thị xã Phong Điền đã triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng cháy rừng.
Trên địa bàn thị xã Phong Điền hiện có diện tích rừng hơn 53,9 nghìn ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 41,2 nghìn ha, rừng trồng hơn 12,6 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2023 là 56,98%.
Phong Mỹ là xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn và có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với thói quen sản xuất chủ yếu dựa vào rừng, vì vậy công tác PCCCR được xã chủ động thực hiện. Trước mỗi mùa khô hanh, nắng nóng, xã đã tổ chức kiện toàn tổ, đội PCCCR cộng đồng, kiểm tra, giám sát các chủ rừng, hộ, cá nhân thực hiện việc xử lý thực bì đúng quy định. Lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án PCCCR, làm đường băng cản lửa tại các vị trí rừng giáp ranh có nguy cơ cháy cao, đồng thời, hướng dẫn người dân đăng ký lịch xử lý thực bì, công tác thông tin báo cáo, phối hợp xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
Với diện tích rừng trồng lớn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn thị xã cũng gặp không ít khó khăn do trồng rừng sản xuất tăng cao, tác động của con người vào rừng khá lớn. Bên cạnh đó, thời tiết vào những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCCR. Đặc biệt, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Diễn tập thực hiện nhiệm vụ PCCCR cho các lực lượng nòng cốt
Ngoài ra, hệ thống giao thông, đường lâm sinh trên địa bàn thị xã đã xuống cấp, việc phát triển không theo kịp yêu cầu PCCCR nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cơ động của lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Đường ranh cản lửa đối với các khu vực rừng trồng tập trung được giao cho người dân ở các địa phương hầu như không có. Một số đơn vị chủ rừng chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được giao quản lý. Các chủ rừng là nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn, bản đã được giao rừng để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi còn thiếu chủ động trong công tác bảo vệ rừng của mình.
Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phong Điền cho biết: “Vào mùa nắng, vẫn có thời điểm gió Tây Nam thổi mạnh, nắng nóng kéo dài nhiệt độ tăng cao, độ ẩm thấp nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCCCR; tình trạng người dân tự ý đốt xử lý thực bì trái phép để trồng rừng diễn ra nhiều. Đời sống kinh tế người dân sinh sống gần rừng và ven rừng chưa ổn định, nên một số người dân trong thời gian nông nhàn còn lén lút vào rừng khai thác lâm sản, săn bẫy động vật rừng trái phép… dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất lớn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị PCCCR cũng như hỗ trợ cho lực lượng QLBVR-PCCCR tuy được giải quyết kịp thời nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế...”.
Để chủ động PCCCR, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND thị xã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác PCCCR. Theo đó, đề nghị các ngành, đơn vị, UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR, trong đó tập trung triển khai, thực hiện Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 22/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.
Thị xã Phong Điền đã triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng cháy rừng
Theo đó, UBND thị xã Phong Điền chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung liên quan đến công tác PCCCR theo quy định của Luật PCCC; Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp. Phân công địa bàn, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo thị xã trong việc chỉ đạo công tác QLBVR-PCCCR tại các địa phương, đặc biệt trong thời gian nắng nóng. Xác định các khu vực trọng điểm về cháy rừng để chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, có hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã, phường, các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án PCCCR trên địa bàn, rà soát, trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác QLBVR-PCCCR; thường xuyên duy trì và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, “5 sẵn sàng”. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR bằng nhiều hình thức như: tổ chức họp cụm dân cư, tuyên truyền lưu động, tổ chức hội thi tìm hiểu về rừng, thông tin truyền thanh, truyền hình… để nhân dân biết, tích cực hưởng ứng tham gia; phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC-CHCN tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ PCCCR. Trong mùa nắng nóng có sự phân công cụ thể trong việc trực lãnh đạo, trực nhân viên, trực chòi canh từ Ban chỉ đạo thị xã đến các xã, phường, các đơn vị chủ rừng, cơ sở nhằm phát hiện sớm lửa rừng để huy động lực lượng dập tắt kịp thời. Tu sửa, làm mới các công trình PCCCR như chòi canh, bảng quy ước bảo vệ rừng, bảng dự báo cấp cháy rừng, đường ranh cản lửa. Các đơn vị chủ rừng như Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Bồ, Công ty TNHH NN1TV Lâm nghiệp Phong Điền cần bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo tại các khu vực xung yếu, điều kiện đi lại khó khăn như: Nà Chợ Rộng, Khe Thai, Rạng Đông, Khe Liềm, Macnamara… để đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác PCCCR. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCCCR, phương châm lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy, dùng lửa để xử lý thực bì, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa có nguy cơ gây cháy rừng. Các cấp, các ngành cũng tập trung rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án PCCCR tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được phát hiện; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí bảo đảm phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng...
Tiến Dũng
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/