Đề án 06 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Cập nhật lúc : 11:14 11/05/2024
Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị trong toàn quốc đi đầu phối hợp Bộ Công an và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội triển khai hiệu quả các mô hình Đề án 06. Việc triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 đã thúc đẩy các nhóm tiện ích đi vào cuộc sống, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Đề án 06 là đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tại Thừa Thiên Huế đề án này đang được các cơ quan, ban, ngành tích cực triển khai. Từ ngày 01/6/2024, tỉnh đã kích hoạt kịch bản chuyển đổi toàn bộ tài khoản của người dân qua phương thức xác thực thống nhất bằng định danh điện tử VNeID nhằm phục vụ giao dịch thủ tục hành chính, triển khai các nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như các hoạt động chính quyền số của tỉnh. “Chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông qua ứng dụng VneID tôi có thể làm thủ tục lý lịch tư pháp rất là thuận lợi hơn trước đây là làm bằng văn bản giấy, tôi thấy rất là thuận tiện cho người dân như chúng tôi” chị Nguyễn Thị Kiều Lành, người dân xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc chia sẻ.
Cán bộ địa phương hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành thu nhận căn cước công dân đối với 100% nhân khẩu đủ điều kiện cư trú trên địa bàn; phát động các đợt cao điểm và đã thu nhận hơn 900.000 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt tài khoản định danh điện tử vượt 108% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Tạo lập 77.387 ví điện tử Hue-S và gần 700 điểm chấp nhận thanh toán điện tử qua Hue-S. Tiếp nhận, cấp phát gần 16.000 chữ ký số công cộng cho người dân. Việc xác định chính xác các điểm đột phá, các mô hình Đề án 06 trong kế hoạch phối hợp thực hiện là quan trọng.
Để các mô hình đi vào thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo điều hành, cũng như sự hỗ trợ giúp đỡ của Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 Chính phủ. Bà Hồ Thị Như Trang, Cán bộ một cửa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết “khi người dân đến tôi sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng giúp người dân tiếp cận được các thủ tục và quy trình hành chính thuận tiện nhất.”
Theo Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Xuân Phú, thành phố Huế thì các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư. Tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. “Trong việc nộp hồ sơ thủ tục phường Xuân Phú đã thành lập tổ công tác triển khai đề án 06 do đồng chí Chủ tịch ủy ban phường làm tổ trưởng, 11/11 tổ dân phố đã thành lập tổ công tác để triển khai thực hiện công tác thống nhất trên địa bàn ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và từ đầu năm đến nay thì toàn phường đã tiếp nhận và giải quyết là 2.119 hồ sơ của các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, hệ thống một cửa điện tử của phường là phục vụ xác thực và chia sẻ các thông tin của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính”. Ông Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ thêm.
Người dân làm lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết nối hệ thống của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, việc nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu dân cư đã được lực lượng Công an tỉnh thực hiện đồng bộ, đảm bảo nguồn dữ liệu luôn trong trạng thái “đúng - đủ - sạch - sống”. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Vừa qua với sự chủ lực của ngành Công an đã tổ chức việc làm sạch cũng như là số hóa dữ liệu cho công dân ở trên địa bàn cơ bản cũng đạt cái tỷ lệ tối đa, với những dữ liệu đó thì hoạt động cung cấp các dịch vụ trên cái nền tảng dữ liệu dân cư sẽ tạo ra môi trường lành mạnh trong sạch và đảm bảo quyền lợi cũng như là an toàn cho người dân khi tham gia các cái dịch vụ tiện ích trên cái không gian số và thời gian sắp tới thì các lĩnh vực thiết yếu cung cấp cho người dân sẽ được tiến hành phối hợp như là y tế, giáo dục, dịch vụ công, đó là 1 trong những cái hoạt động đang ưu tiên trong thời gian tới”.
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực với người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Qua đó, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Quang Minh
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/