In trang

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ
Cập nhật lúc : 17:04 01/00/2024

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 02 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng trung tâm Khoa học và công nghệ, triển khai nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024. Dự hội nghị có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phạm Thị Minh Huệ; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương.

Năm 2023 khép lại với nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hoạt động về khoa học và công nghệ. Hoạt động KH&CN năm 2023 của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, phù hợp với tiến độ kế hoạch năm và bám sát chương trình công tác của tỉnh, địa phương và đơn vị. Các nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai đúng kế hoạch và đảm bảo nội dung, chất lượng. Hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã triển khai đảm bảo đúng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bám sát thực tiễn sản xuất và cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN được tăng cường, tỷ lệ đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả ước đạt 65%. Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được chú trọng. Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 được tổ chức thành công với số lượng hồ sơ dự thi cao nhất từ trước đến nay. Các hoạt động quản lý Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC); Sở hữu trí tuệ (SHTT); An toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh... Đặc biệt, trong năm 2023, đã phối hợp Cục SHTT tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về SHTT năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế với sự tham gia của hơn 350 đại biểu trên khắp cả nước. Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về KH&CN trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng.

Các chương trình, đề án và cơ chế chính sách của ngành đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh, góp phần hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, góp phần phát triển KTXH của tỉnh nhà. Các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, kết hợp với các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh đã trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần phát triển KTXH của tỉnh. Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã đem lại hiệu quả KTXH rõ rệt cho vùng núi, ven biển, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về những kết quả đạt được, nêu lên được một số tồn tại và khó khăn trong thực hiện chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, bên cạnh nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, Đại học Huế luôn chú trọng phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ có ý nghĩa khoa học và tầm ảnh hưởng lớn, có tính ứng dụng cao, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh Đại học Huế nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0, phù hợp với điều kiện của Đại học Huế nói riêng và của đất nước nói chung. Đại học Huế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và tiến đến mục tiêu thăng hạng, góp phần khẳng định thương hiệu, là tiền đề quan trọng để Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, cho biết Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Đại học Huế và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đấy mạnh các hoạt động khuyến khích sáng tạo KH&CN, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thông qua hoạt động này, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã khẳng định vai trò tập hợp, đoàn kết, tôn vinh trí thức và quảng bá hình ảnh của tổ chức, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng thể hiện được tính đa ngành, đa lĩnh vực để giải quyết một vấn đề theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, Liên hiệp hội đóng vai trò kết nối các chuyên gia trong không gian sáng tạo mang tính đa ngành, đa lĩnh vực để hỗ trợ nhau tạo thành hệ sinh thái các chuyên ngành độc lập cho một định hướng mong đợi của thị trường KH&CN trong tương lai.

“Hiện thực hóa các tiềm năng KH&CN địa phương sẽ tập trung định hướng nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học dựa trên chất liệu địa phương, chất liệu văn hóa bản địa Huế và chất liệu bản thể cộng đồng để từ đó khai thác được cảm hứng và cơ hội sử dụng năng lực tự thân cho kết quả nghiên cứu khoa học mang đậm bản sắc địa phương” TS. Hồ Đắc Thái Hoàng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị cần bám sát các chương trình, đề án, hoạt động của Bộ KH&CN để nâng cao vị thế, vai trò của ngành KH&CN đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát huy hiệu quả các đề tài KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ được triển khai tại Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao hình ảnh của KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đối với khu vực miền Trung cũng như trong cả nước. Qua đó, cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết số 07/NQ-TU về việc xây dựng các thiết chế KH&CN trên địa bàn tỉnh: Đại học Huế lên ĐH Quốc gia, xây dựng ĐH Y dược Huế thành mô hình Trường - Viện; Viện Công nghệ sinh học trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia khu vực miền Trung. Đồng thời, phát huy thế mạnh, tiềm năng của nguồn nhân lực KH&CN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, hiệu quả ứng dụng của đề tài KH&CN áp dụng vào thực tiễn. Quy trình thực hiện, phê duyệt nhiệm vụ KH&CN đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phát triển và phát huy những kết quả đạt được của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Quan tâm, chú trọng  cơ chế hợp tác giữa ngành KH&CN với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, với Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành KH&CN.

Dịp này, UBND tỉnh đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.

Văn Bốn