In trang

Xây dựng Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV, sớm trở thành thị xã trước năm 2025
Cập nhật lúc : 15:15 05/07/2021

Phong Điền là huyện ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 30km. Về tổ chức hành chính, huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã và 01 thị trấn), có 136 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó có 02 bản dân tộc thiểu số). Thị trấn Phong Điền là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, được định hướng là đô thị trung tâm cửa ngõ phía Bắc, phát triển đô thị sinh thái về phía Tây Quốc lộ 1A, gắn với vùng bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Là một huyện nằm ở cực Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Phía Đông Bắc giáp biển Đông; phía Đông Nam giáp huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà; phía Nam giáp huyện A Lưới. Phong Điền nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt; bên cạnh đó, còn có tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) ngang qua địa bàn huyện Phong Điền đã được khởi công xây dựng sẽ tạo điều kiện cho Phong Điền có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế với các huyện trong tỉnh và với cả nước, trong khu vực.

Huyện Phong Điền được xác định là một trong những đô thị lớn trong tổng thể hệ thống các đô thị của Thừa Thiên Huế trong tương lai; là trung tâm tổng hợp về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ du lịch và là đầu mối giao thông, giao lưu có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vùng đồi núi là vùng đất phía Tây Nam của huyện bao gồm các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An và một phần xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Gồm những dãy núi cao với độ cao trung bình khoảng 1000m, độ dốc bình quân 35o, nhiều nơi địa hình hiểm trở. Địa hình thấp dần từ Tây Nam xuống Đông Bắc. Với vị trí là khu vực đầu nguồn sông Bồ, sông Ô Lâu nên thảm thực vật ở đây có ảnh hưởng lớn đến khu vực hạ lưu. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển các vùng chuyên canh, cây công nghiệp dài ngày… nhưng cần có biện pháp để tổ chức khai thác có hiệu quả và khắc phục những khó khăn trong sản xuất là khô hạn mùa khô và xói mòn, rửa trôi mạnh trong mùa mưa.

Vùng đồng bằng bao gồm các xã Phong Hoà, Phong Bình, Phương Chương, Phong Hiền và một phần xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Đây là vùng đất hẹp, bằng phẳng chạy dài theo quốc lộ 1A và phần lớn là đất phù sa do sông Bồ và sông Ô Lâu bồi đắp hàng năm nên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp như lúa nước và các cây công nghiệp ngắn ngày.

Vùng ven biển - đầm phá bao gồm các xã vùng Ngũ Điền với những bãi cát bằng phẳng ven biển tuỳ theo độ xâm nhập thực của biển mà có chiều rộng khác nhau tạo nên những vùng cát nội đồng. Bên cạnh việc khai thác phát triển lâm nghiệp đặc biệt là trồng rừng phòng hộ nhằm chống cát bay, cát lấp thì vùng đất này còn có khả năng nuôi tôm cao triều ven biển, đây là một khả năng mới đang được tỉnh và huyện rất quan tâm, có hướng đầu tư phát triển.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, kinh tế-xã hội huyện Phong Điền đã đạt được những bước phát triển vượt bậc: tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 15%/năm, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Quá trình đô thị hóa ở thị trấn Phong Điền, khu vực An Lỗ, Điền Lộc phát triển mạnh mẽ v.v. đến nay, huyện có 2 đô thị được công nhận đạt chuẩn đô thị loại V: Thị trấn Phong Điền và đô thị Phong An; Đô thị Điền Lộc đang được đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn đô thị loại V trong những năm tới.  Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong thời gian qua cùng với việc xây dựng các công trình, dự án trọng tâm cả về kinh tế, văn hóa, xã hội đã nâng cao tiềm lực kinh tế, tạo những chuyển biến lớn trong đời sống xã hội, nâng cao nhận thức và tư duy kinh tế của người dân địa phương. Yêu cầu phát triển cao hơn, hoài bão vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn là nguồn động lực nội sinh quan trọng thúc đẩy Phong Điền phát triển tăng tốc, đạt mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Diện mạo thị trấn Phong Điền ngày càng khang trang

Nghị quyết 54-NQ/BCT ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 3/2/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 28/2/2020 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy đã định hướng, trước năm 2025, Phong Điền sẽ trở thành thị xã và là một trong các đô thị động lực khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Nghị quyết 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, để đạt tiêu chuẩn của thị xã, thì huyện Phong Điền phải được công nhận là đô thị loại III hoặc loại IV.

Có thể khẳng định rằng, Phong Điền là nơi hội tụ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng: có vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, vùng gò đồi giàu tiềm năng, có bờ biển và vùng đầm phá với các nguồn lợi thuỷ hải sản phong phú cho phép phát triển một nền nông nghiệp toàn diện cả nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trữ lượng một số khoáng sản lớn đủ để đầu tư khai thác công nghiệp như đá vôi, than bùn, nước khoáng… tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp.

Những năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Phong Điền ngày càng phát triển giàu mạnh. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường quản lý đô thị, kinh tế có mức tăng trưởng cao, GDP đều tăng hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chú trọng; tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể cả khu vực đô thị và nông thôn. Huyện đã khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đào tạo nghề và nông nghiệp chất lượng cao.

Nói đến tiềm năng của Phong Điền, không thể không kể đến thế mạnh về phát triển du lịch, với nhiều địa danh nổi tiếng như làng cổ Phước Tích, suối nước khoáng Thanh Tân, chiến khu Hòa Mỹ, chùa Giác Lương… Bên cạnh đó, nơi đây được xem là cái nôi phát tích của nhiều làng nghề truyền thống, như nghề kim hoàn (Kế Môn, Điền Môn), nghề rèn (Phong Hiền), nghề gốm (Phước Tích)…; Các địa danh này có nhiều khả năng thu hút khách du lịch đến thăm quan, du ngoạn, mở rộng phát triển du lịch, dịch vụ.

Bộ mặt nông thôn ở  Phong Điền ngày càng đổi thay

Trong tình hình hiện nay, để đạt tiêu chí của đô thị loại IV, phấn  đấu xây dựng Phong Điền sớm trở thành thị xã, cần phát huy sức mạnh của toàn dân, huy động mọi nguồn lực để có thể hoàn thành một số tiêu chí, tiêu chuẩn trước năm 2022, cụ thể:

 Đối với các tiêu chuẩn về cấp điện và chiếu sáng công cộng. Trong tiêu chuẩn này Phong Điền còn 2 tiêu chí cần tập trung: Tiêu chí về tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng. Đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền tổng số km đường phố chính khoảng 110km, trong đó đã đầu tư hệ thống điện chiếu sáng là 78km. Để đạt được điểm tối thiểu theo quy định, cần phải đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cho khoảng 21km đường. Vì vậy cần ưu tiên nguồn lực đầu tư trong năm 2021, 2022 cho nội dung này. Tiêu chí về tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng: Tỷ lệ  đường trục thôn, ngõ xóm ở các địa phương đã được đầu tư khá đồng bộ đạt tỷ lệ  khoảng 48,5%; trong năm 2020, các xã Phong Thu, Điền Hải, Điền Hòa,  Phong Mỹ cần thực hiện tốt việc huy động nguồn lực của địa phương và nhân dân tham gia, nâng tỷ lệ đường chiếu sáng bình quân hơn 50%, đến năm 2021, sẽ đạt điểm tối đa cho tiêu chí này.

           Đối với các tiêu chuẩn về cây xanh đô thị. Hiện nay, tuy tỷ lệ che phủ rừng của huyện khá lớn (trên 57%), tuy nhiên, đất cây xanh đô thị đạt tỷ lệ thấp, nhiều địa phương đất cây xanh sử dụng công cộng như quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo,... chưa nhiều, đất cây xanh đường phố ở các khu đô thị còn hạn chế. Trong thời gian tới, bên cạnh triển khai một số dự án công viên cây xanh khu vực Điền Lộc, công viên, quảng trường ở thị trấn, nâng cấp công viên ở Điền Hòa và một số khu vực khác, nhân các dịp lễ, ngày tết, phát động phong trào trồng cây, các cơ quan, đoàn thể và mỗi một người dân cần tích cực tham gia trồng cây xanh khu vực sinh sống, các khu phố, đường trục thôn trục xóm, để vừa đảm bảo môi trường, vừa hoàn thành các tiêu chuẩn này trong phát triển đô thị.

Nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Về quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị. Đến nay, quy hoạch nông thôn mới ở các xã đã hết thời kỳ quy hoạch, cần phải rà soát, đánh giá để xem xét, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với giai đoạn mới. Để hoàn thành nhóm tiêu chuẩn này, các cơ quan chuyên môn thuộc huyện tham mưu Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyến phố văn minh giai đoạn 05 năm và hàng năm cho các đô thị Phong An, Thị trấn Phong Điền, Điền Lộc và các xã định hướng thành lập phường; Thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý tuyến phố văn minh đô thị theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý trật tự đô thị, quản lý xây dựng và đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn. Ủy ban nhân dân  các xã ,thị trấn tổ chức phổ biến, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí; Tổ chức rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tuyến phố văn minh đô thị, thường xuyên tổ chức kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quản lý.

 Nhóm các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành, ngoại thị. Theo nội dung trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu huyện Đảng bộ lần thứ XIV, định hướng phát triển đô thị trong thời gian tới, mô hình phát triển thị xã Phong Điền bao gồm 6-7 phường và 5-6 xã. Vì vậy, trước hết, chúng ta phải hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nghĩa là các xã còn lại bao gồm Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn và xã Điền Hương phải phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trước năm 2023.  

Ngoài các giải pháp trên, Phong Điền cần đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Trung ương áp dụng cơ chế đặc thù đối với tiêu chí về mật độ dân số và tiêu chuẩn về cân đối thu chi ngân sách khi xét duyệt công nhận huyện Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Thời gian tới, huyện Phong Điền sẽ tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Phát triển công nghiệp kết hợp nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao là nền tảng, huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật cho phát triển đô thị là giải pháp đột phá; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và trở thành thị xã trước năm 2025, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tin tưởng rằng với vị trí địa lý đắc địa, với nguồn tài nguyên dồi dào kết hợp với môi trường đầu tư thông thoáng cùng với sự quan tâm của Trung ương và của Tỉnh đối với các dự án trên địa bàn, Phong Điền đang hội tụ các điều kiện cần thiết để vươn xa, phát triển nhanh, khẳng định vị thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế và sớm trở thành thị xã theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Văn Bốn