In trang

Xây dựng chuổi giá trị nông sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 08:10 01/09/2021

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế với dân số hơn 54 nghìn người, đang sinh sống tại phía tây của tỉnh, là vùng có diện tích chiếm khoản gần 2/3 diện tích toàn tỉnh. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn là nơi khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Qua đánh giá chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi giữ vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy vậy, hiện nay, đây là khu vực vẫn còn tồn tại những khó khăn, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kinh tế - xã hội phát triển chậm; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp; tỷ lệ người nghèo còn cao. Khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp mà có xu hướng ngày càng lớn...

Để giải quyết những khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự vào cuộc của nhiều cấp ủy chính quyền, từ đó dần dần đưa đời sống đồng bào được nâng lên. Trong đó, việc tạo và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Để giải quyết được vấn đề này cần rất nhiều giải pháp, cách làm khác nhau, với thời gian dài hơn, nhưng trong đó việc kết nối, tạo ra giá trị sản phẩm do chính đồng bào làm ra đến với thị trường theo chuỗi giá trị là hết sức cần thiết, vấn đề phát triển sản phẩm là “xây dựng chuổi giá trị hàng hóa cho nông sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số” với một số nội dung như sau:

Thứ nhất, phải đa dạng các mô hình: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ưu tiên mở rộng. Trong đó, hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trồng cây với chất lượng cao, trồng rau an toàn; nuôi bò, nuoi dê, nuôi lợn, nuôi thủy sản tập trung… Đồng thời hình thành một số chuỗi giá trị có hiệu quả gồm: Chuỗi sản xuất bò thương phẩm A Lưới; chuỗi gà thịt an toàn tại Phong Mỹ; sản xuất chuối thương phẩm ở A Lưới; liên kết bao tiêu sản phẩm ngô ở Hồng Thủy; ổi ở Nam Đông; Cam thương thương hiệu Nam Đông hay mô hình trồng dứa thương phẩm. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu.

Thứ hai, phải bền vững trong liên kết: “Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết”.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Tuy nhiên, để thực hiện được những nội dung trên, một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.

Thời gian tới, cần tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX.

Vấn đề phát triển và xây dựng chuổi giá trị hàng hóa cho nông sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Cần sự tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn và địa phương, đặc biệt là sự chủ động thích ứng và đáp ứng những vấn đề thực tế của các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số và hợp tác xã tại địa phương. Phải xem việc xây dựng chuỗi giá trị là trách nhiệm của mình, đồng thời đó là quyền lợi cho sinh kế của mình, lúc đó sẽ bền vững và hiệu quả hơn. Hiện nay, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà rất cần những "mô hình hay", "điểm sáng tốt" để truyền cảm hứng cho đồng bào dân tộc thiểu số và đến nay, vùng dân tộc thiểu số đã dần dần hình thành. Đặc biệt là những người dám làm, những thanh niên dân tộc dám bức phá, khởi nghiệp trên cơ sở tài nguyên bản địa, và những nhà đầu tư cùng kết nối, cùng hỗ trợ, thì kết quả giảm nghèo hay nâng cao đời sống sẽ sớm thành hiện thực.

Lê Gia Phú