In trang

Vai trò nhân dân thành phố Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Cập nhật lúc : 14:18 01/04/2018

Sáng 23/01, Thành ủy Huế đã tổ chức buổi tọa đàm về vai trò của nhân dân thành phố Huế trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đến dự có các đồng chí Ngô Yên Thi - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng ban Tôn giáo chính phủ, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Huỳnh Cư - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Nguyễn Xuân Hòa - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Thành - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên là lãnh đạo, Anh hùng lực lượng vũ trang, các nhà văn, nhà nghiên cứu... từng chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Huỳnh Cư nhấn mạnh: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một bản anh hùng ca sáng chói, mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Huế là một trong những chiến trường trọng điểm, quân và dân đồng loạt tiến công và nổi dậy đánh thẳng vào sào huyệt của địch, lập nên chiến công vang dội làm chủ thành phố suốt 26 ngày đêm. Đây là thắng lợi mang tính chiến lược toàn diện cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, tạo ra bước ngoặt quyết định trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế đã mở ra một bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, góp phần làm thay đổi cục diện của chiến trường buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ngồi lại đàm phán Hiệp định Paris. Với những ý nghĩa to lớn đó, Bí thư Thành ủy Huỳnh Cư hy vọng qua cuộc tọa đàm lần này sẽ khẳng định và làm rõ sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần chiến đấu và hy sinh cao cả của quân và dân, phân tích sâu sắc, đánh giá làm rõ vai trò, ý nghĩa và những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân thành phố trong chiến dịch Mậu Thân.

          

 

Tại buổi Tọa đàm đã có 11 ý kiến được những người trực tiếp chỉ đạo và chiến đấu trong chiến dịch này, đó là những chứng nhân lịch sử như: Đồng chí Nguyễn Trung Chính - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nguyên Thành ủy viên, Bí thư Quận 1 - Huế năm 1968; đồng chí Nguyễn Văn Thu - Thiếu tướng, Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4, người trực tiếp chỉ huy một cánh quân tiến công vào Thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Quang - Nguyên Bí thư Thành ủy, là một chiến sĩ từng đi vận động và trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch; Hòa thượng Thích Chơn Tế - Trú trì chùa Tường Vân, là chứng nhân của những ngày chức sắc tôn giáo cùng bà con Phật tử tham gia hoạt động cách mạng trong chiến dịch, các nhà nghiên cứu như Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, những nhân sĩ có vai trò tích cực trong việc vận động binh lính, nhân viên chính quyền Sài Gòn tham gia hoạt động cách mạng trong cuộc chiến dịch Mậu Thân 1968...

        

Có thể nói, những tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu dù các góc độ khác nhau, song đều cho thấy vai trò của nhân dân là cực kỳ to lớn trong chiến dịch này. Chính sự ủng hộ , bao bọc cách mạng đã tạo ra thế trận lòng dân và quyết định đến thành công của chiến dịch. Tọa đàm góp phần làm rõ vai trò quan trọng của các tầng lớp nhân dân Huế, từ nhân sĩ, trí thức, sinh viên, học sinh cho đến các chức sắc tôn giáo và phật tử thành phố Huế; sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bên trong và bên ngoài thành phố, hiệp đồng tấn công vào các sào huyệt của địch, kết hợp sức mạnh tiến công của lực lượng vũ trang với sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Tọa đàm cũng đề cập vai trò của quần chúng nhân dân trong việc thành lập và duy trì hoạt động của chính quyền cách mạng tại cơ sở.

             

Phát biểu bế mạc buổi Tọa đàm, Phó Bí thư Trường trực Thành ủy Nguyễn Xuân Hòa nhấn mạnh, những ý kiến, tư liệu của các chứng nhân sống trong buổi tọa đàm này là rất quý giá, đây là cơ sở để Thành ủy Huế tổng hợp để khẳng định vai trò của nhân dân trong cuộc tổng tiến công này, đồng thời thấy được tầm quan trọng của cuộc tổng tiến công này trong việc dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước. Đồng chí cho rằng, Thành phố Huế sẽ phải nỗ lực hơn để tiếp bước những thành quả rất đáng tự hào này của thế trước, phát huy tinh thần của chiến dịch Mậu Thân: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” để xây dựng Thành phố Huế ngày càng phát triển, xứng đáng là thành phố văn hóa, thành phố anh hùng.

 

Quang Phong