In trang
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết trong một kỳ họp

Trao cho Hội đồng nhân dân quyền lực thực sự
Cập nhật lúc : 08:22 11/08/2014

Tại hội thảo “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương” vừa được tổ chức tại TP Huế, các chuyên gia cho rằng, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến lớn trong việc đa dạng hóa mô hình chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đa dạng các mô hình chính quyền địa phương

 

Trong Hiến pháp 2013, chính quyền địa phương được quy định tại Chương IX (gồm 7 điều, từ Điều 110 đến Điều 116). Với Điều 111 về chính quyền địa phương, Hiến pháp năm 2013 có quy định “mở” nhằm tạo điều kiện cho việc tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm riêng. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa trong dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các nhà soạn thảo luật lại muốn hiểu quy định mở này theo một hướng khác, khi dự định sẽ bỏ HĐND ở một số cấp chính quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương có thể mềm dẻo, linh hoạt nhưng không được đi chệch nguyên tắc Hiến định: ở đâu có UBND, ở đó phải có HĐND - là cơ quan đại diện của dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và UBND là cơ quan chấp hành của HĐND.

 

Hiến pháp tiếp tục khẳng định HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Nhiều năm qua, mô hình tổ chức chính quyền địa phương được tổ chức giống nhau không có sự phân biệt theo đặc điểm của từng khu vực, từng địa phương. Việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương là nhu cầu có thật và cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

 

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định mang tính “mở đường” của Hiến pháp đã được hiểu theo một hướng rất khác so với tinh thần của Hiến pháp. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có một phương án sẽ bỏ HĐND ở một số cấp chính quyền và chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở địa bàn đó. Vì thế, câu chuyện cần bàn luận trong dự luật Tổ chức chính quyền địa phương không phải là cấp chính quyền nào phải có HĐND, cấp chính quyền nào không cần tổ chức HĐND mà là chính quyền có thẩm quyền khác nhau như thế nào, phân cấp, phân quyền cho các chính quyền địa phương ra sao cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng khu vực.

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

 

Điều quan trọng hơn là phải trao cho HĐND quyền lực thực sự, theo đúng vai trò đã được Hiến định của cơ quan này là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Theo đó, nhiều chuyên gia lập pháp đề nghị, việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, mối quan hệ giữa HĐND và UBND trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải cụ thể và thực chất hơn. Đồng thời đề nghị, cần quy định cụ thể, thực chất các điều kiện bảo đảm để HĐND hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ tổ chức bộ máy đến nhân sự, tăng cường hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách và củng cố bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

 

Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dự thảo Luật Chính quyền địa phương cần quy định nguyên tắc lựa chọn để xây dựng chính quyền các cấp có tính ổn định trong một thời gian nhất định. Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc kết hợp giữa tập quyền và phân quyền để chính quyền Trung ương có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội có tính chiến lược của quốc gia, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, tăng quyền hạn cho chính quyền địa phương nhằm đề cao tính chủ động, sáng tạo của mỗi cấp trong việc huy động các nguồn lực và tập trung cho các chương trình, dự án ưu tiên trong phạm vi phân cấp để khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, nguyên tắc đó cần được cụ thể hóa thành các quy định.

 

Theo bà Phạm Thị Bích Thủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh tuy có những biến động, thay đổi qua từng thời kỳ, nhưng tổ chức HĐND các cấp ngày một lớn mạnh về số lượng, có nhiều đổi mới, nỗ lực, sáng tạo, cơ bản thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Các đại biểu HĐND các cấp phát huy trách nhiệm, quyền hạn để thực thi ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Tuy nhiên, HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương chưa thực sự khẳng định toàn diện địa vị pháp lý của mình, chưa thực hiện đầy đủ, tốt nhất nhiệm vụ được giao. Bà Phạm Thị Bích Thủy đề nghị, cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND hơn nữa. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao vai trò của HĐND, thúc đẩy cá nhân đại biểu HĐND phát huy trách nhiệm đối với sự nghiệp dân cử ở địa phương.

 

TTH