Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão
Cập nhật lúc : 15:58 10/07/2014
Thừa Thiên Huế là địa phương hàng năm thường xuyên chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ. Để chủ động trong công tác này, đến nay Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban chỉ huy PCTT và TKCN) Tỉnh đã cơ bản hoàn thành phương châm: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy công tác phòng, tránh là chính.
Năm 2014, theo dự báo tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường nên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phân công, phân nhiệm cho các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT và TKCN, cũng như cho lãnh đạo của các sở, ban, ngành như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở thông tin và truyền thông, Sở Giao thông vận tải...
Năm nay, công tác sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai đặt lên hàng đầu. Công tác này đã được các huyện, thị xã và thành phố Huế báo cáo và có phương án, kịch bản sơ tán di dời. Theo đó, có 29.104 hộ và 111.100 khẩu tại các khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ, sạt lở đất, khu vực xung yếu của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được sơ tán, di dời đến những nơi an toàn như trường học, nhà họp thôn, chùa, công sở… trong đó, có những trường hợp sơ tán tại chổ hoặc di dời đến những nơi an toàn … Đồng chí Lê Trường Lưu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban chỉ huy PCLB và TKCN Thừa Thiên Huế cho biết: Năm nay Tỉnh chỉ đạo công tác PCLB và TKCN từ rất sớm, trong đó phương án đảm bảo cho nhân dân được an toàn là yếu tố hàng đầu, đồng thời, đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án PCLB và TKCN chủ động, với phương châm bốn tại chỗ. Quán triệt các chủ hồ, đập nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp trong quá trình xả lũ, đón lũ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân cư và công trình.
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ thủy nông, trong đó có khoảng 7 hồ chứa lớn và vừa như Tả Trạch, Truồi, Thọ Sơn, Hòa Mỹ... còn lại là các hồ chứa nhỏ, hầu hết các hồ chứa lớn đã được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo an toàn. Riêng 3 hồ chứa nước thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới hiện đã trình phương án PCBL, ngập lụt hạ du cho Bộ Công thương phê duyệt. Các hồ như Thọ Sơn, Châu Sơn – Năm Lăng, hồ Phú Bài 2… đã chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị, vật tư, rọ thép, vải lọc, bao tải và lực lượng chuẩn bị sẵn sàng. Nếu có dấu hiệu xảy ra sự cố vỡ đập, chủ hồ phát thông báo khẩn cấp cho các vùng hạ du kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn. Các hạng mục trên công trình hồ Tả Trạch đều vừa xây mới, chưa sử dụng, được đánh giá đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ.
Hiện công tác phòng chống bão lũ tại công trình được đặt lên hàng đầu, với tinh thần không chủ quan, quyết tâm bảo vệ an toàn hồ trong bão lũ, đảm bảo tính mạng và tài sản nhân dân. Đối với các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh tuy không nguy hiểm, nhưng trước, trong mùa bão lũ cũng được các địa phương, đơn vị quản lý chuẩn bị các phương tiện, vật tư, lực lượng sẵn sàng bảo vệ an toàn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Song song đó, công tác gia cố đê, kè cũng được được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn có 167 km đê, kè và đã kiên cố được 70km, các tuyến đê đang tu bổ như Phú Thành, đê Tân Lương…cũng đã lập phương án PCLB và kế hoạch thi công đến điểm dừng kỹ thuật trước mùa mưa bão 2014.
Công tác kiểm đếm tàu thuyền, an toàn khu neo đậu tránh trú bão cũng được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 1.932 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 1.301 phương tiện có công suất dưới 20cv, 371 phương tiện có công suất dưới 90cv, 228 phương tiện có công suất dưới 400cv và 32 phương tiện có công suất hơn 400cv. Nếu có trường hợp thời tiết bất thường, mưa bão xảy ra thì Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Các cảng cá, 25 âu thuyền, khu neo đậu cũng đã ban hành nội quy, phương án bố trí tàu thuyền neo đậu tránh trú bão.
Để đảm bảo an ninh lương thực, Sở Công thương đã tổ chức dự trữ 200 tấn gạo và mì tôm, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diezel và 30.000 lít dầu hỏa. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố có kế hoạch dự trữ gạo, mì tôm, xăng dầu theo cơ số cung ứng. Riêng hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới mỗi huyện dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số mặt hàng nhu yếu phẩm để phục vụ cho đồng bào khi có lụt bão xảy ra.
Trên địa bàn thành phố Huế, công tác nạo vét cống rãnh, chặt, cắt cành những cây cổ thụ trên các tuyến phố cũng được Công ty TNHHNN MTV Môi trường và Công trình đô thị Huế triển khai quyết liệt. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thống kê và giằng chống các công trình xuống cấp tại Đại Nội Huế, các điểm di tích, một mặt tránh được sự hư hại, sụp đổ công trình, mặt khác đảm bảo an toàn cho du khách.
Nguyễn Tuấn
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/