In trang

Thừa Thiên Huế: Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư
Cập nhật lúc : 14:04 06/10/2019

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp", nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và công nhân lao động về nhiệm vụ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với hàng loạt chương trình, kế hoạch của các sở, ban, ngành, đơn vị được ban hành, góp phần cải thiện mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN), tổ chức đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư. Đa số các DN đã chú trọng xây dựng, đăng ký và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, thang bảng lương, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về lao động, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ngày càng được nâng cao. Tình hình thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được chú trọng. Thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Các doanh nghiệp, tổ chức đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư.

Công tác xây dựng tổ chức, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp được coi trọng hơn. Tính đến nay, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp hiện có 90 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 5.000 đảng viên, trong đó, có 19 tổ chức cơ sở đảng hoạt động trong các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, gồm các doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn và các doanh nghiệp thuộc tỉnh. Phần lớn các TCCS đảng trong các doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp, lãnh đạo người lao động, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc chấp hành tốt đường lối của Đảng, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các tổ chức đoàn thể đã tập hợp, thu hút đông đảo thành viên tham gia với các hoạt động, phong trào có ý nghĩa về giáo dục tư tưởng, xây dựng nếp sống văn hóa, đoàn kết, nhân ái. Vai trò của tổ chức công đoàn ngày càng được phát huy. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chú trọng xây dựng Chương trình hành động về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở; tập trung phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức Công đoàn trong các đơn vị doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Người lao động trong các doanh nghiệp đã dần nâng cao tác phong công nghiệp, tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

 

Đồng chí Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn của công ty Scavi.

LĐLĐ tỉnh đã ký kết thoả thuận hợp tác với trên 20 doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi, giảm giá cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Tổ chức các hoạt động xã hội như Tết Sum vầy, Lễ cưới tập thể, Mái ấm Công đoàn… cho đoàn viên Công đoàn và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, đã vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 532 nhà ở “Mái ấm Công đoàn”, với tổng số tiền gần 10,6 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, quy định các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 01 doanh nghiệp là Công ty Scavi Huế đã đầu tư xây dựng khu nhà ở miễn phí cho công nhân lao động, với gần 400 chỗ ở; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo giai đoạn I trên diện tích hơn 4.300 m2, với 10 phòng học cho 200 cháu; đầu tư xây dựng 02 sân bóng đá mini cho cán bộ và người lao động thể dục thể thao. 

 

LĐLĐ tỉnh phối hợp với BQL Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh tổ chức diễn đàn "Nghe công nhân nói  - Nói với công nhân" tại KCN Phú Bài.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng được nâng cao. Chính quyền, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước về lao động thông qua việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính... đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động, không để diễn biến phức tạp. Thời gian qua, bình quân 1 năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 10 vụ việc tranh chấp lao động, chủ yếu là tranh chấp lao động cá nhân về hợp đồng lao động, thôi việc nhưng không chốt được sổ bảo hiểm xã hội. Các đơn, thư đều được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, hướng dẫn trả lời theo thẩm quyền hoặc phối hợp LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh và các cơ quan có liên quan giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Chưa xảy ra vụ việc tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích. 

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW. Một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thực hiện chưa nghiêm túc pháp luật lao động; còn xem nhẹ và chưa thực hiện thường xuyên việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chính sách lao động của người lao động còn hạn chế; tiền lương của người lao động nói chung còn thấp, đời sống một bộ phận người lao động rất khó khăn; nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người lao động là rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Một số doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở đảng, tổ chức Công đoàn chưa xây dựng thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, thang lương, bảng lương hoặc có xây dựng nhưng mang tính đối phó để đóng BHXH; các biện pháp xử lý chưa đủ mạnh nên các doanh nghiệp vẫn tái phạm.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22-CT/TW trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai sâu rộng Chỉ thị 22-CT/TW bằng nhiều hình thức, phương pháp trên cơ sở các cách làm hay, mô hình mới, chú trọng tuyên truyền bằng trao đổi, đối thoại. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh. Kịp thời giải quyết những bức xúc của công nhân. Quán triệt, triển khai thực hiện các chính sách cải cách BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tăng cường công tác đối thoại định kỳ để lắng nghe, giải đáp kịp thời những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thanh Minh