In trang
Tổ giúp việc của Ban Thường vụ Thành ủy Huế về kiểm tra, đánh giá và nghe ý kiến của cơ sở trong xây dựng các mô hình dân vận khéo, xây dựng đô thị văn minh.

Thành phố Huế: Chiều sâu “Dân vận khéo”
Cập nhật lúc : 15:45 11/04/2019

Hướng về cơ sở và phát huy sức mạnh của cơ sở, bám sát thực tiễn đời sống để đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo” và phát huy ở mức độ cao hơn, đó là mục tiêu công tác dân vận về xây dựng nếp sống văn minh đô thị của Thành ủy Huế trong giai đoạn hiện nay.

Trong quý III/2019, Tổ giúp việc của Thành ủy Huế do Ban Dân vận chủ trì, với sự tham gia của các thành viên gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức đoàn kiểm tra các mô hình đăng ký tuyến kiệt xanh - sạch - sáng - an toàn của nhiều phường trên địa bàn thành phố. Đây là những tuyến kiệt đã được kiểm tra, góp ý thời điểm cuối năm 2018, nay Đoàn trở lại để đánh giá về quá trình tổ chức thực hiện, chấm điểm để đề xuất Thành ủy công nhận.

 Trở lại với những tuyến kiệt cách nay hơn một năm, sự thay đổi tương đối  rõ nét, việc thực hiện các tiêu chí tuyến kiệt “văn minh đô thị” đã được các Chi bộ, tổ dân phố tiến hành tương đối bài bản: hầu hết các chi bộ đều có sự phân công trách nhiệm cho đảng viên ở khu dân cư phụ trách những phần việc cụ thể như: đốt rải vàng mã, trật tự đô thị, đậu đỗ xe, lắp điện chiếu sáng - camera giám sát, thực hiện Chủ nhật xanh… Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng đã có sự phối hợp hiệu quả, cùng hướng đến mục tiêu chung nhằm bảo đảm tất cả các tiêu chí được đề ra về một tuyến kiệt xanh - sạch - sáng - an toàn.

Việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua “dân vận khéo” về xây dựng đô thị văn minh của Thành ủy Huế là cả một quá trình, từng bước đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, chuyển trọng tâm vận động người dân trực tiếp tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Sau 3 năm, dễ nhận ra nhất là sự kết nối và phối hợp hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở trong phong trào thi đua dân vận khéo đã bảo đảm tính thống nhất cao về nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện, hướng về cơ sở. Hiệu quả đạt được thể hiện qua con số hàng chục nghìn lượt người trực tiếp tham gia và hiểu được ý nghĩa của phong trào thi đua dân vận khéo, qua đó thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, nghiêm túc chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Để cụ thể hóa phong trào, căn cứ vào các tiêu chí và từ thực tế cơ sở, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo 27 phường đã lựa chọn và đăng ký xây dựng 37 tuyến phố, 41 tuyến kiệt “sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn tiêu biểu” với hơn 5.000 hộ dân, hơn 1.800 hàng quán đăng ký tham gia. Nhằm đánh giá để rút ra những bài học và đưa ra những định hướng sát hợp, sau quá trình xây dựng triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy Huế đã tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá những mô hình mà các địa phương đã đăng ký bao gồm tất cả các mô hình như: Tuyến đường văn minh, tuyến kiệt văn minh, hàng quán văn minh, gia đình văn ninh tiêu biểu.

Bà Hồ Thị Đoan Trang, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy cho biết: công tác đánh giá “chấm điểm” của Đoàn kiểm tra không chỉ dựa trên những bản báo cáo thành tích gửi lên, mà về kiểm tra tận từng tổ dân phố, từng tuyến kiệt, hộ gia đình được các địa phương đăng ký, tận mục sở thị những việc cơ sở đã làm, kiểm tra đầy đủ các công việc thực hiện thông qua hệ thống sổ sách và đặc biệt là lắng nghe chính những đồng chí cán bộ cốt cán ở cơ sở, những phản hồi của chính người dân nói về công việc họ đã làm trong công tác xây dựng đô thị văn minh.

Theo bà Hồ Thị Đoàn Trang, các cuộc kiểm tra này không đơn thuần là đưa ra các đánh giá khách quan, thực chất mà còn để góp ý để các địa phương khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng thời tìm ra, phát hiện những mô hình, cách làm hay của cơ sở để nhân rộng cho các địa phương khác cùng học tập, triển khai. Thực tế trong chuyến đi kiểm tra này, Đoàn đã nhận ra được vai trò rất lớn của cấp cơ sở, những chi bộ nào, tổ dân phố nào vào cuộc với tinh thần trách nhiệm và tính tự giác cao thì hiệu quả đạt được là rất đáng phấn khởi.

Thường xuyên nghe Đoàn báo cáo, thậm chí trực tiếp hàng tuần về kiểm tra việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong trào Ngày Chủ nhật xanh,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Xuân Hòa cho biết: việc kiểm tra này đã giúp phong trào thi đua dân vận khéo xây dựng đô thị văn minh bám sát yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, góp phần giải quyết được những bức xúc nổi lên trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, song song với việc biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, điển hình mới, thời gian tới, vai trò lãnh đạo của Đảng, cán bộ cốt cán ở cơ sở cần tiếp tục được thể hiện rõ nét hơn, năng lực điều hành của chính quyền, khả năng tập hợp quần chúng của mặt trận và các đoàn thể phải thể hiện được uy tín với dân, có như vậy phong trào “dân vận khéo” mới đạt hiệu quả thực chất.      

Mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới đó là phải nâng cao ý thức tự giác của nhân dân, cán bộ, đảng viên, Thành ủy Huế cũng rất đề cao tính chủ động, sáng tạo của Ban Chỉ đạo dân vận các địa phương trong triển khai tổ chức thực hiện phong trào, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Xuân Hòa nhấn mạnh.

Quang Phong