In trang
Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Cập nhật lúc : 14:36 05/06/2019

Ngày 20/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chỉ thị nêu rõ, sau 07 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng của cộng đồng xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường. Nguồn lực được quan tâm đầu tư; các chế độ, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tích cực thực hiện. Công tác xã hội hoá được đẩy mạnh; việc xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hoá, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Các dự án, mô hình hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục phát triển. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm qua các năm; tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 99%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội đạt trên 94%.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn  tỉnh vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Các vấn đề về bạo lực học đường, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bỏ học, trẻ em rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… ngày càng diễn biến phức tạp, tạo sự lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội. Điều kiện sống và chất lượng giáo dục trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá chênh lệch so với trẻ em ở vùng thành thị. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn hạn chế…

Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên. Trong đó chủ yếu là: vẫn còn tình trạng một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự thường xuyên quan tâm, chưa quyết liệt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể; hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa cao; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, phần lớn được thực hiện lồng ghép; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Bên cạnh đó, các nội dung xấu, độc trên mạng xã hội, phim ảnh, đồ chơi bạo lực... đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý trẻ em.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị 20-CT/TW; thực thi tốt Luật Trẻ em và các văn bản pháp lý liên quan. Xác định làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài trong chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của nhà trường và gia đình. Đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.

2. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em. Triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục trẻ em; phát huy các tác động tích cực, hạn chế, đẩy lùi các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện các quyền của trẻ em ở các cấp. Mở rộng cơ chế giám sát trong nhân dân nhằm can thiệp, hỗ trợ kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và các trường hợp không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc vi phạm, xâm hại trẻ em.

3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, thay đổi hành vi của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Kịp thời tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào việc xấu và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Chú trọng công tác định hướng dư luận trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng khi có vụ việc liên quan công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, các mô hình, đề án về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gắn với các cuộc vận động, phong trào của địa phương, đơn vị, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, gia đình văn hoá… Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm chất độc hoá học, trẻ em khuyết tật.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Rà soát các tiêu chuẩn đối với các cơ sở giáo dục trẻ em, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học. Tăng cường hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.

6. Rà soát, quy hoạch, thiết kế các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em theo quy định của pháp luật, nhất là ở các địa phương. Đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp tục triển khai các hoạt động có ý nghĩa thiết thực cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cao điểm trong Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hàng năm.

7. Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở để làm tốt công tác tham mưu, xây dựng và hoạch định chính sách, điều hành, tổ chức phối hợp và thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cơ sở.

8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị ở các cấp, các ngành, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

Tinhuytthue.vn