In trang
Tuyến đường hoa của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền.

Phong Điền: Phát huy vai trò Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc : 14:28 10/08/2019

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Phong Điền đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể

Hưởng ứng phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Phong Điền luôn tập trung chú trọng tuyên truyền, tập hợp, vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó làm cho mỗi người dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp xây dựng NTM. Huyện đã phát động mỗi ngành, mỗi đơn vị một phong trào xây dựng NTM, nổi bật là các phong trào: “Chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”, “Thắp sáng đường quê”..., tạo ra khí thế thi đua sôi nổi khắp toàn huyện. Trong đó, điển hình như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, tham gia hiến công, hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông.

Ủy ban MTTQVN huyện Phong Điền đã vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới vào chương trình tập huấn nghiệp vụ công tác mặt trận từ huyện đến cơ sở với 658 hội nghị với 8.763 lượt người dân tham gia; tổ chức cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, từ cuộc vận động này trong 10 năm qua đã vận động được 12,849 tỷ đồng cùng với nguồn cấp trên hỗ trợ 3,74 tỷ đồng, UBMTTQVN huyện đã hỗ trợ xây dựng 252 nhà đại đoàn kết, sữa chữa 58 nhà cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng 04 trường mầm non, giúp đỡ cho 855 lượt hộ nghèo mượn vốn sản xuất, buôn bán nhỏ và chăn nuôi, hỗ trợ giúp đỡ cho hơn 687 học sinh nghèo, thăm tặng quà cho 1.736 lượt hộ nghèo nhân dịp lễ tết cổ truyền, hỗ trợ người bị ốm đau nằm viện. Ngoài ra phối hợp với đoàn thể chính trị - xã hội huyện thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã tiến hành xây dựng mô hình “Hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững” cho 23 hộ nghèo ở các xã Điền Hải, mô hình “Thực hiện tiêu chí môi trường trong nông thôn” cho 15 hộ nghèo, cận nghèo xã Phong Mỹ, hỗ trợ gà giống và thức ăn cho 47 hộ nông dân nghèo và một số mô hình sinh kế khác.

Tham gia thực hiện các cuộc vận động về phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cùng với Ủy ban MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đăng ký 130 thôn tự quản về bảo vệ môi trường, 16 “tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an” tại 16 xã, thị trấn theo tiêu chí đường kiểu mẫu, với chiều dài 11,3km, ước khoảng kinh phí 9,6 tỷ đồng. Với nội dung giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; liên kết phát triển kinh tế, thông qua phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” như: tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới 273 buổi hội họp với 14.982 lượt người tham gia, hiến 2.853 m2 đất nông nghiệp, tham gia nhiều công trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn; tổ chức 19 lớp nghề với 490 lao động tham gia, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường cho 16 cánh đồng lúa được trang bị bi bê tông chưa đựng bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, 135 thôn, tổ dân phố thực hiện tổ tự quản về an ninh trật tự. Tín chấp để nông dân vay vốn tín dụng phát triển sản xuất.

Hội Liên hiệp Phụ nữ đã lồng ghép 05 nội dung của cuộc vận động với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, qua đó đã động viên hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo phát triển sản xuất, xoá nhà tạm, phát động mỗi chi hội gắn với một công trình cụ thể về bảo vệ môi trường. Hội Cựu chiến binh vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; triển khai xây dựng 86 mô hình, công trình mang tên Cựu chiến binh đảm nhận: 16 tuyến đường khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội, 53 đoạn đường xanh - sạch - đẹp, 12 đoạn đường không có rác thải, 05 đoạn đường chiếu sáng do chi hội Cựu chiến binh quản lý; vận động hội viên Cựu chiến binh  chung tay giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn xóa nhà tạm cho 07 hội viên; tham gia làm các công trình thủy lợi, nạo vét hơn 16,4km kênh mương cấp 2,3, tham gia xây dựng 11,015km kênh mương cấp 1, nạo vét nhiều hồ đập bị vùi lấp, sụt lún, tham gia vào việc gải phóng mặt bằng ở các thôn, bản để làm đường theo cơ chế đặc thù. Ngoài ra với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức Hội cho hội viên vay 28,926 tỷ đồng để hội viên có vốn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trên nhiều mô hình, mở rộng phát triển trang trại, gia trại mang lại kết quả cao. Đoàn Thanh niên đã lồng ghép 5 nội dung của cuộc vận động với phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bằng việc làm thiết thực như: mỗi chi đoàn đảm nhiệm công trình “Thắp sáng đường quê”, thu gom rác, nạo vét, khơi thông các dòng chảy.

Mô hình “Hàng rào xanh, đoạn đường thân thiện góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay

Nhờ thực hiện khá tốt công tác truyên truyền, vận động nên nhận thức, trách nhiệm của các ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Kết quả triển khai, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cần huy động sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân khá thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra. Trong gần 10 năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp trị giá 123,98 tỷ đồng, trong đó: hiến 851.545m2 đất các loại (ước khoảng 25,959 tỷ đồng), 37.153 cây các loại, 4.319 m2 tường rào, công trình phụ trợ (ước khoảng 6,35 tỷ đồng), 141.725 ngày công (ước khoảng 28,34 tỷ đồng), các công trình phụ khác với tổng giái trị trên 6,0 tỷ đồng, đóng góp bằng tiền mặt 57,32 tỷ đồng... để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, nhà văn hoá thôn và các công trình sản xuất, dân sinh.

Đồng chí Hồ Tá Thạnh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Phong Điền cho biết: “Phong trào xây dựng NTM của huyện thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, thực sự là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, đã phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia, huy động được nguồn lực rất lớn công sức, tiền của từ trong nhân dân đóng góp xây dựng NTM. Điều đó cho thấy chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu mà không có kết thúc, nhằm mục tiêu từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”...

Đến nay, huyện Phong Điền có 04/15 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 02 xã đang đề nghị tỉnh công nhận (đã gửi hồ sơ gửi để tỉnh thẩm định). Bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Phong Điền đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội đã được đầu tư cơ bản khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và có bước phát triển. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được triển khai và bước đầu được nhân rộng. Nhân dân đã tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều chuyển biến trong phong trào đóng góp quỹ đất, hoa màu, vật kiến trúc; đầu tư nâng cấp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của gia đình; đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập; hưởng ứng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình ngày càng được tăng cường.

Văn Bốn