In trang

Phong Điền chủ động ứng phó mưa lũ và không khí lạnh tăng cường
Cập nhật lúc : 17:25 10/04/2022

Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho biết, tính từ 19h ngày 13/10 đến 15h30 ngày 14/10, tổng lượng mưa tại các trạm trên các trạm ở huyện Phong Điền: Đập thủy điện Rào Trăng 3: 68.8 mm; Hồ Hòa Mỹ: 79.2 mm; Thị trấn Phong Điền: 99.8 mm; Hồ Mỹ Xuyên: 63.6 mm.

Mực nước ở các sông, thủy điện trên địa bàn hiện nay ở Sông Bồ tại Phú Ốc: 3,35 m, trên mức báo động II 0,35m; Sông Ô Lâu tại Phong Bình: 1,36 m; Tại đập Cửa Lác: MN thượng lưu: +0,82m. MN hạ lưu +0,81m; Nhà máy thủy điện Hương Điền tại thời điểm 13h00 ngày 14/10: MNTL 52.80 m; Qvề 591 m3/s; Q xả hạ du 1110 m3/s; Lúc 13h00 ngày 14/10 Nhà máy thủy điện Hương Điền đã điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng 1100 m3/s; theo lệnh vận hành số: 362/LVH-PCTT, ngày 14/10/2022.

Dự báo từ sáng nay 14/10 đến hết ngày 15/10 trên địa bàn có mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to. Đối với huyện Phong Điền tổng lượng mưa từ sáng 14/10 đến hết ngày 15/10/2022: 200-350mm, có nơi trên 400mm. Cảnh báo, từ đêm 15/10 đến sáng ngày 16/10 tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Nguy cơ xãy ra lũ, lũ ống, lũ quét ven các sông suối, vùng núi; sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối vùng núi; ngập úng đô thị và vùng thấp trũng.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Trước tình hình diễn biến của thời tiết, UBND huyện Phong Điền đã thông báo kêu gọi tàu thuyền ven biển, đầm phá vào bờ neo đậu an toàn: 302 tàu thuyền; Tổ chức quản lý, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá. Về công tác chỉ đạo sản xuất, diện tích các loại cây trồng, vật nuôi đang còn chưa thu hoạch trên địa bàn huyện còn 320ha sắn, 243,62 ha rau màu các loại, 49,81 ha nuôi tôm, 79,99 ha cá các loại, 3,19 ha các loại thủy sản khác (Ốc Hương,...) và 103 lồng cá các loại”.

“Toàn huyện Phong Điền đã rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân ứng phó với bão và nước dâng 1.692 hộ/4.801 khẩu (trong đó sơ tán tại chỗ 1.303 hộ/3.447 khẩu, di dời đến địa điểm tập trung 389 hộ/1.354 khẩu). Đến 16h ngày 14/10, toàn huyện đã tổ chức sơ tán 102 hộ/193 khẩu tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Sơn, còn lại các địa phương khác căn cứ tình hình diễn biến của mưa lũ để tổ chức di dời đảm bảo theo chỉ đạo của UBND huyện. Về dữ trữ lương thực, thực phẩm, đã dự trữ tại huyện 40.000 kg gạo, 250 thùng mỳ tôm (loại 100 gói); dự trữ tại UBND các xã, các địa lý 28.000 kg gạo, 1.945 thùng mỳ tôm (loại 100 gói); dự trữ tại các thôn thường xuyên bị chia cắt 10.286 kg gạo, 761 thùng mỳ tôm (loại 100 gói)”, ông Bách cho biết thêm.

Hiện, trên địa bàn huyện Phong Điền chưa có thiệt hại gì về người và tài sản của Nhân dân; Các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ đang lưu thông bình thường, riêng  Tuyến đường liên thôn, xã: Bị ngập 4 điểm Tại xã Phong Sơn (Phổ Lại – Tứ Chánh), Phong Bình (Tân Bình), Phong Chương (Ma nê, Phú Lộc), mức độ ngập sâu nhất là 0,4 m (tại Phổ Lại - Phong Sơn), tổng chiều dài bị ngập là 520m.

Để chủ động ứng phó với không khí lạnh tăng cường và mưa lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã có Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 14/10/2022 về việc triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ. Đồng thời quán triệt, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các ngành có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ, trong đó tập trung một số nội dung chính: UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai phương án phòng chống mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức rà soát và triển khai di dời, sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở  vùng núi,  vùng gò đồi,  các khu vực  trọng điểm ven biển, ven sông: Các vùng ven biển (xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc và Điền Hương), ven sông (sông Bồ đoạn qua xã Phong An, xã  Phong Sơn; Sông Ô Lâu  đoạn qua các xã: Phong Thu, Phong  Hòa, Phong Bình); đường 71 xã Phong Xuân, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan (Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ); các vùng thấp trũng, ngập úng  để  bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Khẩn trương chỉ đạo thu hoạch các đối tượng thủy sản đã đến kỳ thu hoạch. Có phương án gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thuỷ  sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều ven biển, hạ triều vùng đầm phá và ven các sông hiện đang còn nuôi chưa thu hoạch được; Có phương án bảo vệ  vật nuôi trong  các trang trại chăn nuôi  đảm an toàn; Có  phương án bảo vệ  diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong. Tổ chức rà soát rà soát lại công tác dự trữ lương thực, thực phẩm tại các địa phương, trong đó tập trung bố trí tại các vùng thường xuyên bị chia cắt.

Công an huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị và các địa phương có liên quan tổ  chức phân luồng giao thông tại các điểm ngập úng cục bộ; Bố  trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá, khu vực ngầm tràn  để  hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ban Chỉ  huy Quân sự  huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Phong Hải và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để  kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Căn cứ công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thông  báo cho học sinh nghỉ học ngày thứ bảy (15/10). Đối với vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở cao nghỉ học từ chiều nay (14/10). Trong chiều nay, đã có 16/16 địa phương ở huyện Phong Điền cho học sinh nghĩ học.

                                                                             Tiến Dũng