Phát huy truyền thống, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích xây dựng quê hương giàu đẹp
Cập nhật lúc : 09:22 03/09/2021
Vị trí, vai trò của thanh niên đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là “Người chủ tương lai của nước nhà”, “mùa Xuân của xã hội”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.
90 năm rèn luyện và trưởng thành
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng và Bác Hồ đã nhận thấy sự cần thiết phải thành lập tổ chức cộng sản của những người trẻ tuổi. Chính vì vậy, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã thông qua: “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Trong Án nghị quyết có ghi: “Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập”; “Đảng cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên… Muốn vậy, chỉ có thể tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được”. Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động chính là văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn về sau.
Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930, các cơ sở Đoàn đã được xây dựng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hệ thống của Đoàn chưa được thống nhất. Do đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 diễn ra từ ngày 20 đến 26/3/1931 đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên. Dưới sự dìu dắt của Đảng và Bác Hồ, đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến khoảng hơn 2.500 đoàn viên. Ở một số địa phương đã hình thành Đoàn từ cơ sở huyện, tỉnh, dần đã trở thành lực lượng xung kích của Đảng, cống hiến hết mình trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thể theo nguyện vọng và đề nghị của tuổi trẻ cả nước, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (họp từ ngày 22 đến ngày 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày thành lập Đoàn. Từ đó, ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn TNCSHCM.
Trải qua 9 thập niên xây dựng và phát triển, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, Đoàn TNCS HCM và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết lên những trang sử hào hùng, ngời sáng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng triệu đoàn viên, thanh niên đã anh dũng xông pha trên các chiến trường, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để phụng sự Tổ quốc. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lực lượng đoàn viên, thanh niên bừng bừng khí thế trong các phong trào “Ba sẵn sàng” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam), luôn kề vai sát cánh với bộ đội, trực tiếp đảm đương các nhiệm vụ từ hậu phương đến tiền tuyến: mở đường, phục vụ chiến đấu, tải thương, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực…góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hiện nay, đoàn viên, thanh niên hăng hái thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Phát huy truyền thống, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích xây dựng quê hương giàu đẹp
Phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên, các thế hệ đoàn viên, thanh niên Thừa Thiên Huế với nhiệt huyết và sức trẻ, đã ghi dấu ấn đậm nét trong trang sử hào hùng của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng. Ngày nay, những đóng góp của đoàn viên, thanh niên được thể hiện thông qua các chương trình, hoạt động tiêu biểu, như: “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh đô thị”, “Ngày chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”… Đặc biệt, với hai phong trào Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ Quốc”,“ Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã cổ vũ đoàn viên, thanh niên phát huy sáng kiến, tích cực nghiên cứu khoa học, tăng năng suất lao động. Qua đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình về đoàn viên, thanh niên tiêu biểu vượt khó trong xây dựng, phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, mạng lưới các câu lạc bộ “Sáng tạo khởi nghiệp”, “Chủ trang trại trẻ”…được phát triển rộng rãi, kết nối nhiều bạn trẻ khát khao vươn lên làm giàu, sống cống hiến cho xã hội. Trên toàn tỉnh có 1576 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn thanh niên. Ngoài ra, với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, nhiều bạn trẻ đã không ngại khó khăn, gian khổ để đến với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa để dạy học, khám chữa bệnh… Nhiều trí thức trẻ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã về những nơi xa xôi hẻo lánh để hướng dẫn, giúp đỡ người dân trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội… đã được đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nhận được các các giải thưởng “Sao Tháng giêng”, “Trần Văn Ơn”, giải thưởng “Lý Tự Trọng”, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”…đã trở thành tấm gương tiêu biểu để nhiều đoàn viên, thanh niên noi theo.
Với những việc làm hết sức có ý nghĩa đó, phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm qua, tin tưởng rằng, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sẽ ngày càng bản lĩnh, trưởng thành, để cùng với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - xã hội được giao, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. (Ánh Trang)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/