In trang

Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng nêu cao ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc
Cập nhật lúc : 10:12 08/05/2014

Sáng ngày 15/8/2014, tại Trung tâm VH-TT tỉnh đã diễn ra Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu và trích đăng bài phát biểu quan trọng này.

Kính thưa đồng chí Phan Văn Hùng - Thứ trưởng - PCN UB Dân tộc !

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân !

Kính thưa Đoàn Chủ tịch !

Thưa toàn thể Đại hội !

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng 8 lịch sử, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ II. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 205 đại biểu điển hình là các vị già làng, trưởng bản, những người con ưu tú của các dân tộc anh em, đại diện cho hơn 4,8 vạn đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh về dự Đại hội. Qua Đại hội, tôi xin gửi đến đại gia đình các dân tộc đang chung sống trên quê hương Thừa Thiên Huế lời chào thân ái và lời thăm hỏi ân cần nhất. Chúc các đại biểu mạnh khỏe, đoàn kết, thắng lợi.

Kính thưa toàn thể Đại hội !

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế lần thứ II là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc, là dịp để tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu của bà con các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện công tác dân tộc và chính sách dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, nhất là những kết quả đạt được sau Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế lần thứ I. Đồng thời, tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc, định hướng một số nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu và giải pháp phát triển vùng dân tộc thiểu số,  miền núi đến năm 2020 nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Với niềm tự hào và kính yêu vô hạn, Đại hội chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Người đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc - nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc ta trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đại hội chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành, các doanh nghiệp trong cả nước đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, chăm lo nâng cao đời sống và phát huy sức mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế.

Thưa Đại hội !

Sinh thời Bác Hồ thường nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế đã đoàn kết; một lòng, một dạ đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, cùng với Đảng bộ, quân và dân lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, cũng như hăng hái tham gia sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá để xây dựng quê hương, đất nước.

Còn nhớ trong chiến tranh gian khổ, địch đánh phá ác liệt, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế đã nêu cao tinh thần tất cả vì Tổ quốc độc lập, vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam, đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, huy động tất cả nhân tài, vật lực cho hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước. Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp của đồng bào dân tộc cho cách mạng; đặc biệt trong thời kỳ khó khăn, gian khổ; biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công cách mạng; và cũng vui mừng chia sẻ với toàn thể bà con đồng bào dân tộc đã đoàn kết, kề vai sát cánh cùng với các dân tộc anh em, đang ngày đêm đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Nhớ lại, lúc Bác Hồ đi xa, với tình cảm vô hạn về vị cha già dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế đã tự nguyện mang họ Bác Hồ; biến đau thương thành hành động cách mạng, đồng thanh tuyên thệ trước anh linh của Người: “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi; đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi đất nước ta. Đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà” làm nên sự tích đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, kịp thời chi viện sức người, sức của, vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam, làm cơ sở quan trọng để chúng ta liên tiếp đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, tô thắm thêm trang sử vàng hào hùng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chính những lớp thanh niên tiêu biểu ngày ấy - những Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ Dục, Hồ A Nun, Cu Tríp, Căn Đơm... với những chiến công anh dũng là những tấm gương sáng, biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước, mãi mãi là hiện thân của tấm lòng trung thành, sắt son của đồng bào đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu.   

Những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân đã dành nguồn lực đáng kể để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư; diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi có những chuyển biến hết sức cơ bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rỏ rệt. Bằng con đường thâm canh lúa nước, lập vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng bào đã tập trung phát triển kinh tế theo thế mạnh là đất đai để thoát nghèo bền vững. Các hộ đồng bào từng bước xây dựng đời sống khá giả bằng trồng rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo nguồn lực để tái mở rộng sản xuất. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được đồng bào đồng tình hưởng ứng, từng bước khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của nhân dân.

Thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giao lưu, trao đổi hàng hóa đã mở rộng trên toàn vùng. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động tại các trung tâm huyện lỵ, các trung tâm cụm xã, nhất là ở hai thị trấn A Lưới vàNamĐông. Kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá hoàn chỉnh. Gần 100% số hộ gia đình vùng miền núi, đồng bào dân tộc đều sử dụng điện lưới quốc gia. Hầu hết các hộ đều có vô tuyến truyền hình và điện thoại di động. Các loại báo, tạp chí được cấp, phát đến tận thôn, bản. Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại hai đài phát thanh huyện Nam Đông, A Lưới; chương trình truyền hình cho đồng bào tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) đã đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào. Các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên; nhất là Lễ hội truyền thống Văn hóa Thể thao Du lịch các dân tộc định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần được duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng. Những giá trị văn hoá, đời sống tinh thần tốt đẹp được bảo tồn, phát triển; các tập quán lạc hậu và hủ tục dần bị loại trừ.

Thành tựu nổi bật nhất là đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, không còn nhà tranh tre nứa lá. Nhiều hộ gia đình, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã huy động thêm nguồn lực để xây dựng nhà ở khang trang, phù hợp với điều kiện miền núi. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã được định canh, định cư, chiến thắng được hoàn toàn “giặc đói”, được mặc ấm. Đặc biệt, nhiều thôn, xã đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 60% vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX xuống còn 11,8%. Cùng với việc giảm nghèo bền vững từ 3 - 4%/năm tại vùng dân tộc, miền núi, đến nay, tỷ lệ con, em các đồng bào thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học tăng đều qua hàng năm. Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được tăng cường.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là tất cả đồng bào các dân tộc anh em, biểu dương sự cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ đã từng công tác, sống, chiến đấu cùng với đồng bào các dân tộc.  

Thưa Đại hội !

Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào có nhiều cố gắng vươn lên nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc còn bất cập, nguồn lực đầu tư còn chưa nhiều như mong muốn nên vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, nguy cơ tái nghèo trong đồng bào còn cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống; nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác. Hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền còn hạn chế; trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng, hiệu quả giáo dục chưa cao. Năng lực, trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu; nhiều vấn đề bức xúc của đồng bào chậm được phát hiện, giải quyết. Các tệ nạn xã hội chưa ngăn chặn hiệu quả; an ninh, chính trị ở một số nơi còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, tại Đại hội này, tôi yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc và miền núi. Phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân của vùng trên 15% năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của vùng dưới còn dưới 5%. Xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế vùng dân tộc và miền núi gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đến năm 2020, nông thôn vùng dân tộc và miền núi có kết cấu hạ tầng kiên cố. Phấn đấu không còn xã đặc biệt khó khăn, trên 50% các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát triển các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác với nước bạn Lào. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, tăng cường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực đối với vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng các trường dân tộc nội trú, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số. Hầu hết đồng bào nghèo ở biên giới, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ đời sống văn hóa và các tiến bộ xã hội ngang bằng với mức trung bình của tỉnh.

Với tinh thần đó, tôi nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội đã đề ra, cụ thể là:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng.

Thứ hai, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Thứ ba, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.

Thứ năm, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn vùng dân tộc; phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Thứ sáu, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo... của các thế lực phản động lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào phá hoại trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Thứ bảy, mỗi một đại biểu ưu tú trong Đại hội này khi trở về thôn, bản, làng, xã phải là một tấm gương sáng để vận động bà con tích cực phát triển kinh tế, làm cho tất cả thôn, bản, mọi tầng lớp nhân dân không ngừng nâng cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; quan tâm người già, trẻ em từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, chữa bệnh, học hành, phấn đấu không chỉ ăn no mà phải tiến tới ăn ngon, không chỉ có mặc ấm, mà phải còn mặc đẹp và phải biết tích luỹ cho tương lai... Phải biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và phương thức canh tác mới, bám sát thời vụ để giúp cho đồng bào không chỉ giỏi về kinh nghiệm làm ăn mà còn xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh cho từng hộ gia đình.

 Thưa các đồng chí và các đại biểu !

Trong kháng chiến cứu quốc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu ngoan cường. Bước vào thời kỳ hoà bình, thống nhất đất nước, đồng bào ta lại càng đồng tâm, hiệp lực cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nỗ lực xây dựng, bảo vệ vững chắc quê hương và Tổ quốc ViệtNamxã hội chủ nghĩa. Sự hy sinh, nỗ lực phấn đấu của đồng bào vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.  

Nhân dịp Đại hội này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tôi kêu gọi đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng nêu cao ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế văn minh, giàu, đẹp.

Chúc Đại hội thành công !

Xin cảm ơn !