In trang

Pháp hỗ trợ nhiều dự án trên lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa
Cập nhật lúc : 08:59 04/05/2023

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thanh Bình đã khẳng định như thế khi chủ trì hội thảo chuyên đề “Văn hóa, Di sản và Du lịch” diễn ra chiều 14/4 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong chương trình Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt-Pháp lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội từ 14-16/4. Đồng chủ trì hội thảo còn có ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng TP. Toulouse, Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Toulouse - Cộng hòa Pháp. Tham dự Hội thảo có 150 đại biểu từ các đoàn công tác của chính quyền địa phương Pháp, Việt Nam, các nhà nghiên cứu, học giả.

Hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các địa phương của Pháp

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã vinh dự là địa phương đầu tiên của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp lần thứ 6 vào năm 2005, và là một trong những địa phương tiên phong trong quan hệ hợp tác phi tập trung với Cộng hòa Pháp.

Thừa Thiên Huế đã thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác, kết nghĩa với các chính quyền địa phương của Pháp từ đầu những năm 1990 mà tiêu biểu là các vùng: Poitou-Charentes, Nord-Pas de Calais, Bretagne, Ile-de-France, các thành phố: Paris, Rennes, Lille, Blois, Brest, Nantes, Nancy, Grand Poitiers, Nîmes, Nouvelle-Aquitaine,...; các tổ chức quốc tế: AIMF (Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng sử dụng tiếng Pháp), ARF (Hiệp hội các Vùng nói tiếng Pháp), CUF (Cơ quan phát triển đô thị Pháp), Các tổ chức như: Liên đoàn xử lý nước thải vùng Paris (SIAAP), Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontre du Vietnam), Hiệp hội Bretagne-Vietnam, Hội Tuổi thơ Hy vọng (Enfance Espoir), Hiệp hội hỗ trợ Phát triển Y tế (ADM), Hiệp hội Codev Việt - Pháp,...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhìn chung các quan hệ hợp tác phi tập trung giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương, tổ chức của Pháp trải đều trên nhiều lĩnh vực như văn hóa - di sản, giáo dục và đào tạo, hợp tác pháp ngữ, hợp tác kinh tế, hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu vùng xa, hỗ trợ phát triển bền vững thông qua các dự án về môi trường và du lịch sinh thái, hỗ trợ phòng chống lụt bão, cảnh báo thiên tai.

Riêng với lĩnh vực văn hóa, di sản và du lịch, với việc sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh, cùng hơn 1000 di tích đã được xếp hạng và kiểm kê, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phía Pháp hỗ trợ nhiều dự án trên lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ với UNESCO đối với các di sản văn hóa Huế, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng tầm thương hiệu văn hóa di sản Huế lan toả trên khắp thế giới và luôn là đối tác chính, giúp đỡ Thừa Thiên Huế tổ chức thành công các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến nay.

“Các dự án hợp tác song phương giữa hai bên đã góp phần quan trọng trong xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa của ASEAN, Thành phố môi trường ASEAN...  Đặc biệt góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế” theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.  

Đề xuất các định hướng hợp tác về văn hóa-di sản, thúc đẩy phát triển du lịch

Chia sẻ thêm tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cùng với chính quyền của các địa phương tại Việt Nam tiếp tục chủ động hợp tác với các chính quyền địa phương, các đối tác Pháp hoạch định các chiến lược hợp tác song phương, đa phương trong giai đoạn tới và mở ra nhiều khả năng hợp tác hơn nữa về kinh tế, thương mại và xúc tiến đầu tư.

Các địa phương Việt Nam khẳng định mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác phi tập trung với các địa phương và tổ chức của Pháp. Nhất là tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ với các địa phương truyền thống, có kinh nghiệm trên các lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch, phát huy giá trị di sản, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở phát huy các giá trị riêng có của mỗi địa phương ở Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, nhiều tham luận của Việt Nam và Pháp được trình bày theo hình thức cặp đối tác. Phía Việt Nam gồm đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các địa phương: Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái... Về phía Pháp có các tham luận chính từ: Hội đồng Vùng Nouvelle-Aquitaine, tỉnh Val de Marne, Chính quyền đô thị Grand Poitiers…

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung chính, nêu bật tầm quan trọng  của “di sản, văn hoá, du lịch” trong quá trình xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng xanh, phát triển công nghiệp văn hoá bền vững, gắn kết và tạo động lực phát triển hướng đến cộng đồng, người dân đặc biệt giai đoạn sau đại dịch Covid-19; Trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng chính sách hiệu quả sẽ giúp cho chính quyền địa phương và người dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, du lịch; lấy văn hóa di sản làm động lực thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, y tế… và khuyến khích phát triển giao lưu văn hóa là nguồn lực cho phát triển kinh tế thông qua hoạt động quảng bá nghệ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý các dòng khách du lịch nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Qua đó, hai bên nhấn mạnh những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; qua đó đề xuất các định hướng hợp tác và những giải pháp tạo đòn bẩy để di sản đặc biệt trên nền tảng văn hóa kết hợp với phát huy giá trị lịch sử đồng thời hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.  Xác định vài trò quan trọng của cộng đồng và người dân trong việc tiếp cận và nâng cao nhận thức đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người dân tích cực phát huy bản sắc văn hóa di sản của du lịch tại địa phương đem đến thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng di sản.

Ngoài ra, xác định vai trò quan trọng của cộng đồng và người dân trong việc tiếp cận và nâng cao nhận thức đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người dân tích cực phát huy bản sắc văn hóa di sản của du lịch tại địa phương đem đến thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng di sản.

Bên cạnh đó, có những đề xuất và trao đổi những định hướng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp trên lĩnh vực di sản - văn hóa - du lịch gắn với tiến trình toàn cầu hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các địa phương như Hà Nội - Toulouse, Nouvelle – Aquitaine - Lào Cai, Val de Marne - Yên Bái, Thừa Thiên Huế - Grand Poitiers. Đồng thời, kiến nghị chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp bổ sung các nguy cơ và cả tiềm năng hỗ trợ trong các dự án phòng chống thiên tại, ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan đến di sản - văn hóa - du lịch trong giai đoạn tới.

Với những kết quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác các địa phương Việt Nam và Pháp đã trao đổi kinh nghiệm hợp tác thành công, rút ra những bài học kinh nghiệm trong hợp tác và tìm ra phương thức hợp tác trong thời gian tới để hướng tới tính hiệu quả cao nhất trong hợp tác văn hóa-di sản, thúc đẩy phát triển du lịch đặc biệt cho phép người dân tham gia tích cực hơn trong lĩnh vực này, giúp hình thành nên mối liên hệ chặt chẽ trong giao lưu và chia sẻ.

Văn Bốn