In trang
Kịp thời khám chữa bệnh cho đồng bào tại trạm quân dân y.

Những thầy thuốc quân hàm xanh trong lòng người dân biên giới Việt - Lào
Cập nhật lúc : 10:35 05/04/2018

Đứng chân trên địa bàn huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, những thầy thuốc mang quân hàm xanh ở các trạm quân dân y Biên phòng đã thực hiện phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào", không ngừng nỗ lực thực hiện y đức của người thầy thuốc, thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Hình ảnh "người thầy thuốc mang quân hàm xanh" đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào vùng cao A Lưới và cán bộ, nhân dân giáp ranh của nước bạn Lào.

Điểm tựa của đồng bào biên giới

Nhà cách xa trạm y tế hơn 20km đường đèo núi, gia đình nhà chị Kêr Thị Thân ít có điều kiện đi kiểm tra hay khám chữa bệnh thường xuyên. Nên ngày trước, những khi có bệnh, chị Thân cũng như bà con nơi đây thường chữa bệnh bằng những hủ tục lạc hậu, phó mặc số phận cho con ma rừng. Còn giờ đây, mỗi lần gia đình có người đau ốm chị Thân lại đưa ngay đến Trạm y tế xã Nhâm để các bác sĩ quân y thăm khám. Chị Kêr Thị Thân, thôn A Bả, xã Nhâm, huyện A Lưới cho biết: “Cháu bị sốt, ho và biếng ăn gần một tuần rồi. Hôm nay, tôi mới có thể đưa con đi khám. Các y, bác sỹ đã tư vấn, khám tận tình và cấp phát thuốc trị viêm phế quản miễn phí cho cháu. Tôi thấy yên tâm khi điều trị cho cháu”.

Cùng với việc tổ chức khám, cấp thuốc tại trạm, các chiến sĩ quân y cũng thường xuyên trực tiếp xuống từng bản khám và cấp phát các loại thuốc trị bệnh thông thường như cảm cúm, tiêu chảy, viêm nhiễm hô hấp cho dân. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách phòng tránh các bệnh thông thường và loại bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Chiến sĩ quân y còn hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh bản làng, nằm màn tránh muỗi và xây dựng khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở để bảo vệ sức khỏe. Nhờ vậy, ý thức của đồng bào đã có sự chuyển biến căn bản. Khi có người ốm đau, đồng bào luôn tìm cách đưa đến trạm quân dân y Biên phòng để được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc. Bà Lê Thị Chi, thôn A Tin, xã A Đớt, huyện A Lưới hồ hởi tâm sự: "Tôi bị chướng bụng, rất khó chịu. Ngày trước thường hái lá cây rừng ăn cho khỏi đau bụng nhưng có hôm còn đau hơn.Trước đây đồng bào chỉ biết cúng bái để đuổi con ma rừng khỏi người bệnh. Bây giờ, được bộ đội về khám, cấp thuốc và bày vẽ cho cách phòng bệnh, đồng bào vui cái bụng lắm, tôi chỉ làm theo lời bác sĩ dặn thôi!".

Trạm xá quân dân y Biên phòng là tuyến y tế cơ sở của ngành Quân y, trực tiếp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân. Từ ngày có các trạm quân dân y Biên phòng, công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho bà con dọc tuyến biên giới đã được cải thiện đáng kể. Nhờ có trang thiết bị, nguồn thuốc của Bộ đội Biên phòng cung cấp và sự hỗ trợ của Sở Y tế Thừa Thiên Huế, quy chế phối hợp quân dân y triển khai thống nhất tại các cơ sở, giúp bà con điều trị cả những bệnh thông thường và một số bệnh nặng. Thiếu tá, Bác sỹ Đặng Hồng Minh - Trạm trưởng trạm Quân dân y xã Nhâm chia sẻ: “Trước đây, do trình độ dân trí thấp nên khi mắc bệnh, đồng bào nơi đây chỉ biết hái lá rừng hoặc gọi thầy cúng đuổi con ma rừng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các căn bệnh sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm, viêm nhiễm hô hấp... thường xuyên xảy ra với bà con dân bản. Bên cạnh việc trau dồi y đức, y thuật, để thuận tiện hơn cho việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đã chủ động bám dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào nơi đây để tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán của đồng bào. Chính từ sự ân cần, chân thành đó, cán bộ, chiến sỹ quân y đã tạo được niềm tin và tình cảm sâu sắc với đồng bào, các chiến sĩ quân y đã phát huy vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.

Cùng với đó, để ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, thời gian qua, các trạm quân dân y Biên phòng đã chủ động phối hợp với địa phương tiến hành nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt rét, tổ chức khám và chữa bệnh ngoài da cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhờ thực hiện tích cực các công tác khám, điều trị và phòng chống dịch bệnh nên trên địa bàn huyện A Lưới không có dịch bệnh lớn xảy ra. Có thể nói, thời gian qua, các Trạm quân dân y Biên phòng đã góp phần không nhỏ cùng với ngành Y tế huyện A Lưới thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ Quân dân y khám chữa bệnh cho cán bộ và người dân nước bạn Lào.

Vượt biên giới khám chữa bệnh cho dân nước bạn Lào

Trên tuyến Biên giới A Lưới đã có 5 trạm quân dân y Biên phòng , không chỉ là chỗ dựa tin cậy về sức khỏe cho hàng nghìn bà con dân tộc dọc tuyến biên giới A Lưới. Các trạm quân dân y còn phục vụ khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt cán bộ và người dân các bản làng biên giới của nước bạn Lào. Thiếu úy SengPhaSith ChanThaVong - Trạm Công an cửa khẩu Tà Vàng, nước CHDCND Lào chia sẻ: “Từ đơn vị chúng tôi đóng quân vào đến trung tâm huyện Kà Lừm phải mất cả tuần đi đường. Khi có vấn đề gì về sức khỏe, anh em ở trạm chúng tôi đến ngay trạm quân dân y A Đớt để bác sĩ khám, tư vấn, hướng dẫn. Các y bác sĩ rất nhiệt tình giúp chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn bác sĩ bộ đội Việt Nam”.

Ngoài công tác khám chữa bệnh, cán bộ Quân y ở các trạm quân dân y còn phối hợp tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường cho nhân dân tại các bản của nước bạn. Ông Xon Chan, người dân bản Ka Lô, huyện Kà Lưm, tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào vui vẻ chia sẻ: “Người dân bản mình cảm ơn cán bộ, bác sĩ Biên phòng Việt Nam vì đã giúp chúng tôi nắm bắt được một số cách phòng bệnh và còn chữa bệnh cho bà con. Trước đây dân mình thường xuyên đau ốm nhưng bây giờ mọi người không còn ốm đau, đều khỏe mạnh để đi rừng, làm cái nương, kiếm cái ăn. Cuộc sống đã vui hơn trước”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ngoài việc tăng cường đội ngũ y bác sĩ, trang bị thêm cơ sở vật chất, thời gian tới Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh sẽ phối hợp cùng với ngành chức năng trong và ngoài quân đội xây dựng các trạm xá quân dân y Biên phòng thành địa chỉ khám chữa bệnh cho các đối tượng bảo hiểm y tế. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con các dân tộc, các xã lân cận và nhân dân các bản đối diện của nước bạn Lào. Cùng với đáp ứng yêu cầu nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, các phòng khám quân dân y sẽ được tập trung nghiên cứu, đầu tư theo hướng “gọn nhẹ, tinh nhuệ”. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế. Hệ thống y tế dự phòng cũng cần được quan tâm hơn nữa để nâng cao khả năng chủ động giám sát, phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh”.

Những việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực của cán bộ, chiến sĩ quân y Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã góp phần đảm bảo sức khỏe cho bà con sinh sống tại các bản làng hai bên biên giới, dịch bệnh hầu như không còn diễn ra. Có thể thấy sự quan tâm đó sẽ bảo đảm cho hệ thống các trạm xá quân dân y Biên phòng được kiện toàn, củng cố và phát triển, chăm sóc tốt sức khỏe bộ đội, và nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng tình đoàn kết, gắt bó lâu đời của quân và dân hai bên biên giới Việt - Lào.

Võ Tiến