In trang

Những người truyền lửa nơi biên giới A Lưới
Cập nhật lúc : 16:15 12/05/2023

Không chỉ am hiểu tiếng nói, phong, tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, với tình yêu đặc biệt dành cho biên cương Tổ quốc, các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở huyện biên giới A Lưới tích cực tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc; vận động người dân phát triển kinh tế-xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên.

Trong buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người cho nhân dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới do phòng Phòng, chống Ma túy và Tội phạm (BĐBP Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và xã Lâm Đớt, huyện A Lưới tổ chức. Già làng Nguyễn Minh Sang nổi bật với mái tóc hoa tiêu đang chăm chú lắng nghe, ghi chép vào sổ từng chi tiết do tuyên truyền viên giới thiệu. Già làng Sang chia sẻ: “Mình phải ghi chép cần thận các điều khoản, quy định do Bộ đội Biên phòng phổ biến để nắm, hiểu rõ để còn về tuyên truyền cho con cháu và bà con Nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định”.

Không chỉ tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Già làng Nguyễn Minh Sang còn tích cực tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thôn A Tin, xã Lâm Đớt có gần 200 hộ dân với 3 cột mốc gồm: 665,666,667. Từ tình yêu với biên cương Tổ quốc, trách nhiệm của người già làng, trưởng bản, già lang Sang đã cùng với Bộ đội Biên phòng tham mưu cho UBND xã Lâm Đớt thành lập 3 tổ Tự quản đường miên mốc quốc giới với 138 gia đình tham gia. Trong 5 năm qua, ông đã tích cực tham gia tuần tra 19 lượt với cán bộ, chiến sĩ; tham gia tuyên truyền cho 2.350 lượt người dân. Ngoài ra ông còn tích cực vun đáp tình hữu nghị Việt Nam - Lào với hai bản tiếp giáp A Tin, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam và bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào.

Thiếu tá Võ Xuân Minh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Già làng Nguyễn Minh Sang luôn là người gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chia sẻ, giúp đỡ bà con trong cuộc sống. Với trách nhiệm của người già làng, ông luôn được bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tôn trọng, tín nhiệm, noi theo. Ông cũng chính là sợi dây kết nối, thặt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào giữa Nhân dân hai bản tiếp giáp biên giới. Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, bản thân ông đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ đường biên mốc quốc giới. Tại thôn A Tin, xã Lâm Đớt nơi gia đình ông sinh sống, già làng Nguyễn Minh Sang đã tích cực vận động con cháu, người thân, bà con Nhân dân nơi đây với 58 hộ gia đình tự nguyện tham gia”.

Còn đối với già làng Hồ Văn Hạnh, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, ông không chỉ là người truyền dạy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà ôi đến với cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới. Những năm qua, ông còn “tấm gương sáng” vận động bà con học tập làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở. Thông qua những buổi nói chuyện, họp thôn bản già làng Hạnh đã truyền lửa cho các bạn trẻ trong bản làng, tháp sáng tình yêu của tuổi trẻ với Đảng góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng viên trẻ, thế hệ kế cận trong bản làng.

Già làng Hồ Văn Hạnh chia sẻ: “Muốn tuyên truyền cho bà con hiểu, nghe theo thì không chỉ là những buổi họp thôn, những buổi sinh hoạt mà mình phải đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con nhân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, mình phải luôn gần gũi, giáo dục để họ biết, hiểu được tư cách của người đảng viên, đưa ra định hướng cụ thể để phấn đấu; tích cực tham gia xây dựng thôn bản”.

Trong 10 năm qua, gia làng Hạnh luôn quan tâm công tác bồi dưỡng lý tưởng và dìu dắt cho 21 quần chúng ưu tú trên địa bàn xã Trung Sơn được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đảng viên Hồ Minh Quân, một trong những thế hệ trẻ đã được già làng Hồ Văn Hạnh khai sáng và đi theo Đảng chia sẻ: “Em là một trong những thế hệ trẻ của bản làng, dưới sự dìu dắt, chỉ bảo, hướng dẫn của già làng Hạnh em đã nổ lực, phấn đấu và rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Em sẽ tích cực tuyên truyền cho bạn bè, bà con, làng xóm những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp Luật của Nhà nước cũng như tiếp lửa cho các bạn trẻ như em có ý chí, nghị lực, phấn đấu để được kết nạp Đảng để cống hiến cho quê hương”.

Tại 12 xã biên giới của huyện A Lưới hiện nay có 64 tư già làng, trưởng bản, người có uy tín là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương tỉnh đã phát huy vai trò, tầm quan trọng của già làng, người có uy tín trong vận động bà con nơi vùng biên giới luôn nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, xây dựng Đảng, tham gia các phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào dòng họ, làng bản không hộ nghèo. Các Già làng, người có uy tín còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trong các bản làng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Và đối với đồng bào nơi đây già làng, người có uy tin có vai trò rất quan trọng, họ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng làng, bản.

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: “Đây là những người có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới Quốc gia ở khu vực biên giới. Bởi vì đây là những người vừa thông thạo tiếng nói, địa hình; am hiểu phong tục tập quán cũng như đặc điểm tâm lý của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy chúng tôi xác định đây là lực lượng rất quan trọng để lực lượng Bộ đội Biên phòng dựa vào để tạo được sự đoàn kết trong Nhân dân; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới. Chính những đóng góp quan trọng đó đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc; cùng chung tay, giúp sức với Bộ đội Biên phòng xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Võ Tiến