Nhiều giải pháp trong xây dựng thành phố xanh, bền vững
Cập nhật lúc : 16:21 12/01/2014
Sau 2 ngày làm việc (29 - 30/11/2014) với chủ đề “Tương lai bền vững của các đô thị châu Á”, Hội thảo chuyên đề quốc tế CityNet đã thảo luận xoay quanh 5 chuyên đề chính và chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu những mô hình, cách làm hay trong nhiều lĩnh vực của đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố tương lai bền vững của châu Á.
Tại hội thảo, nhiều cuộc đối thoại diễn ra sôi nổi giữa các chuyên gia của đối tác và các thành viên của mạng lưới Citynet đã đưa ra một cách nhìn mới về tương lai bền vững của các đô thị châu Á. Làm thế nào để xây dựng “các thành phố xanh ở châu Á”, bởi thành phố và đô thị thì không thể tách rời các yếu tố về môi trường, đất, nước, việc làm, giao thông…và việc xây dựng một thành phố xanh, thành phố đáng sống nó sẽ gồm những vấn đề nào, bao trùm và quan tâm nhất?. Bà Sonia Sandhu (đại biểu Philippines) cho rằng, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về “thành phố xanh”, song đối với các thành phố châu Á thì do điều kiện địa lý, dân cư đông đúc thì cần có cách nhìn mới trong phát triển của các thành phố hiện nay và tương lai.
Phát triển và đi trước so với các thành phố trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ưu tiên phát triển giao thông đô thị thông minh, đây cũng là một mô hình đã giải quyết tốt vần đề môi trường và về an toàn giao thông đô thị, qua đó cũng tạo điều kiện và thúc đẩy nhiều hoạt động khác của việc xây dựng thành phố xanh, đáng sống. Bà Ir Daryati A Rini (đại biểu thành phố Jakarta) cho biết, hiện nay ở Nhật Bản, cùng với hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt là phương tiện giao thông chính trong các thành phố, thành phố Jakarta đã xây dựng được 11 tuyến hành lang xe buýt, trong đó có tuyến dài hơn 200km. Ở Jakarta, tất cả xe buýt đều có thiết bị theo dõi, giám sát hành trình của cơ quan quản lý về kỹ thuật, để đảm bảo mọi người dân khi sử dụng xe buýt đều được mua vé công bằng hoặc hỗ trợ những lỗi kỹ thuật khi gặp sự cố. Với kinh nghiệm của Nhật Bản, Bà Ir Daryati A Rini cho rằng, đối với các thành phố đông dân cư, lượng phương tiện cá nhân lớn như ở châu Á thì mô hình xe buýt là khá phù hợp cũng như đáp ứng được nhu cầu tài chính trong việc đầu tư xây dựng.
Ông Choong Yeol YE (đại diện Hàn Quốc) cho rằng, hạ tầng giao thông đô thị Huế hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Không chỉ trong tương lai, hiện tại và trong những năm tới, thách thức về an toàn giao thông là không thể tránh khỏi khi phương tiện cá nhân ngày càng phát triển, nhất là xe máy và ô tô. Một trong những mô hình giao thông đô thị thông minh hiện đang được Hàn Quốc sử dụng là hệ thống phân phối hàng hóa tự động, nhằm giảm bớt lượng ô tô vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường và vấn đề về ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông…Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, thành phố Huế nhất thiết phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, bởi nó sẽ giải quyết tốt và hài hòa của một thành phố di sản và hiện đại.
Về xây dựng “Các thành phố của tương lai”, với tập hợp các giải pháp về công nghệ thông tin một cách đột phá, đại diện Microsoft (một đối tác của CityNet) đã đưa ra một cách khái quát vấn đề quản lý đô thị, đây là một vấn đề mới hiện nay rất được các nước thế giới quan tâm để xây dựng các thành phố thông minh hơn, hiệu quả hơn và thích ứng tốt hơn. Các chuyên gia Microsoft cho rằng, việc sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp lãnh đạo chính quyền các thành phố giải quyết tốt các nhu cầu về xây dựng một đô thị bền vững, về an sinh xã hội, các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm để hướng đến mục tiêu phồn vinh của đô thị. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho lãnh đạo chính quyền các thành phố giải quyết nhiều vấn đề nan giải và các thách thức về đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Ông Stefan Sjoestroem (đại diện Microsoft) cho hay, chúng ta cần xác định mình đang đứng trong hoàn cảnh nào, giai đoạn nào để định hướng phát triển cho tương lai, đặc biệt, mỗi thành phố cần xác định vai trò của mình để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Hiện nay, công nghệ thông tin có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát triển thành phố tương lai, hầu hết các nước tiên tiến đều đã áp dụng công nghệ điện toán đám mây trong mọi lĩnh vực. Do đó, các nhà quản lý cần phải có tầm nhìn chiến lược để xác định hướng phát triển, nhất là cần phải thay đổi tư duy cũ và cách làm cũ để chuyển đổi sang việc quản lý đô thị thông minh dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.
Ông Vijay Jagannathan, Tổng thư ký CityNet cho biết, 5 chuyên đề chính tại hội thảo lần này đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, thông điệp chính được đưa ra là tất cả các thành phố đều mong muốn tìm ra những vấn đề, những giải pháp cho sự phát triển, nhất là về nhà ở, giao thông, việc làm, quản lý đô thị thông minh. Cách đây vài năm, chúng ta đã quan tâm vấn đề về nước, bây giờ chúng ta làm rõ mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa các vấn đề nêu trên để cùng hướng tới xây dựng một thành phố đáng sống. Kinh nghiệm và chia sẻ về giao thông thông minh của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như ý tưởng quản lý đô thị thông minh thông qua công nghệ thông tin của Microsoft là một trong những thành công của hội thảo lần này. Đặc biệt, các giải pháp của Microsoft sẽ giúp cho chính quyền và các nhà quản lý cung cấp các dịch vụ công và giám sát mức độ thực hiện các dịch vụ công đó như thế nào, đồng thời thúc đẩy các hoạt động khác trong việc xây dựng thành phố xanh. Bên cạnh đó, thông qua hội thảo là cơ hội cho thành phố tìm kiếm các đối tác cho vấn đề tài chính trong việc xây dựng thành phố xanh để cùng hướng đến thông điệp chung và hữu nghị, hợp tác phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi họp báo sau Lễ bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh khẳng định, những kinh nghiệm, mô hình hay mà các chuyên gia đã giới thiệu, chia sẻ qua các chuyên đề giúp cho thành phố Huế có cái nhìn bao quát hơn về các vấn đề của đô thị. Trên cơ sở đó, sẽ lựa chọn những mô hình phù hợp, cách làm hay để học tập để làm sao thực hiện tốt hơn nữa những mục tiêu xây dựng thành phố “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” cũng như giữ vững danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN” và “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”.
Văn Hướng
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/