In trang
Người dân xã Quảng Thọ gia cố lồng bè khi thủy điện xả lũ.

Người dân hạ du chủ động ứng phó khi thủy điện xả lũ
Cập nhật lúc : 11:20 10/01/2024

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định trong chiều tối 30/10 và ngày 31/10, lũ trên sông Hương và sông Bồ đạt đỉnh ở mức xấp xỉ báo động II. Ngay sau khi có lệnh vận hành hồ chứa, các địa phương vùng hạ du đã tổ chức thông báo, cảnh báo cho người dân; đồng thời siết chặt quản lý các hoạt động thuyền bè, vớt củi, câu cá khi nước lũ đang dâng cao. Nhờ đó, người dân sinh sống ở vùng hạ du cũng đã chủ động các phương án ứng phó, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và tài sản tại những nơi có thể ngập lụt.

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền là một trong những địa phương thấp trũng có nguy cơ ngập lụt khi thuỷ điện xả lũ. Chính vì thế, khi nhận được thông báo lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thuỷ điện Hương Điền và hồ chứa nước Tả Trạch, chính quyền địa phương này đã nhanh chóng phát thanh trên các loa đài của xã cũng như các trang mạng xã hội để người dân nắm bắt được thông tin từ đó có biện pháp phòng chống ngập lụt. “Nhận được thông tin từ Uỷ ban nhân xã Quảng Thọ cho biết là thủy điện đang tiến hành điều tiết hồ nước nên gia đình tôi đã kê cao một số đồ dùng có giá trị lên cao để đề phòng khi nước lũ về. Việc chủ động như thế này khiến gia đình tôi yên tâm hơn” - Ông Trần Cảnh, người dân xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền chia sẻ thêm.

Cán bộ xã Quảng Thọ tuyên truyền qua loa về thủy điện xả lũ.

Việc đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cây trồng trong nông nghiệp cũng được người dân chủ động ứng phó. Đặc biệt là với người dân sinh sống trên sông bồ, việc xả lũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lồng cá nên khi có thông báo của chính quyền địa phương về việc điều tiết xả lũ, người dân đã có các biện pháp chủ động ứng phó như gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, di chuyển vào khu vực kín, thu hoạch cá sớm. Đang tất bật dùng dây thừng cột chặt các lồng bè lại với nhau, ông Nguyễn Trục, xã Quảng Thọ cho biết: “Năm nay gia đình tôi thả nuôi gần 2.000 con các loại cá trắm cỏ, cá rô phi… Công sức nuôi trồng, chăm sóc cả mấy tháng trời trông vào đây cả nên trước thông tin dự báo thủy điện điều tiết xả lũ, hai vợ chồng cùng gia cố lại lồng bè, kéo thuyền lên cao hi vọng giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra”.

Việc điều tiết xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện sẽ gây ngập lụt ở vùng hạ du. Chính vì vậy, an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở khu vực này đang đặt ra yêu cầu cho chính quyền địa phương về các phương án cụ thể trong phòng ngừa, ứng phó và sơ tán dân. “Chúng tôi đã cử cán bộ về tận nhà người dân để thông báo tình hình các hồ chứa, thủy điện sẽ điều tiết lũ để người dân có biện pháp chủ động hơn nếu xảy ra lũ lụt tại địa phương”  - ông Trần Kìm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền thông tin thêm.

Người dân vận chuyên đồ đạt lên cao đề phòng ngập lụt.

Tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, khi có thông tin về lệnh vận hành hồ chứa, các địa phương vùng hạ du, địa phương này đã nhanh chóng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ sẵn sàng ứng phó nếu lũ lụt xảy ra, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện có phương án hỗ trợ, xử lý nếu có sự cố xảy ra ở khu vực này. “Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền cho người dân gia cố nhà cửa, tỉa cành cây xung quanh nhà và vận động các hộ dân sinh sống gần sông thực hiện tốt công tác phòng, chống để không bị động, bất ngờ khi lũ lụt xảy ra”. Ông Hoàng Văn Minh Châu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Quảng An, huyện Quảng Điền chia sẻ thêm.

Có thể thấy với phương châm “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” khi có thông tin về việc điều tiết hồ chứa thủy điện, chính quyền địa phương đã chủ động trong công tác điều hành ứng phó và người dân nắm được quy định cảnh báo, cập nhật sơ đồ ngập lụt, phương án sơ tán, lánh nạn trong trường hợp việc điều tiết hồ chứa ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng và sản xuất nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra.

Quang Minh