In trang

Nêu cao ý thức tự lực tự cường để phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc : 09:41 08/05/2014

Những năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội; diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi có những chuyển biến.

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế đã đoàn kết; một lòng, một dạ đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, cùng với Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, cũng như hăng hái tham gia sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá để xây dựng quê hương, đất nước.

Khơi dậy tinh thần tự lực tự cường

Trong kháng chiến cứu quốc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu ngoan cường. Bước vào thời kỳ hoà bình, thống nhất đất nước, đồng bào ta lại càng đồng tâm, hiệp lực cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nỗ lực xây dựng, bảo vệ vững chắc quê hương và Tổ quốc ViệtNamxã hội chủ nghĩa. Sự hy sinh, nỗ lực phấn đấu của đồng bào vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Những năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân đã dành nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội; diện mạo nông thôn vùng dân tộc và miền núi có những chuyển biến. Các hộ đồng bào từng bước xây dựng đời sống khá giả bằng trồng rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Hàng nghìn hộ đồng bào được nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo nguồn lực để tái mở rộng sản xuất. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được đồng bào đồng tình hưởng ứng, từng bước khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của nhân dân.

Thành tựu nổi bật nhất là đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, không còn nhà tranh tre nứa lá. Nhiều hộ gia đình, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách đã huy động thêm nguồn lực để xây dựng nhà ở khang trang, phù hợp với điều kiện miền núi. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã được định canh, định cư bền vững, chiến thắng được hoàn toàn “giặc đói”, được mặc ấm và tiến tới ăn ngon, mặc đẹp. Nhiều thôn, xã đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 60% vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX xuống còn 11,8%. Cùng với việc giảm nghèo bền vững từ 3 - 4%/năm tại vùng dân tộc, miền núi, đến nay, tỷ lệ con, em các đồng bào thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học tăng đều qua hàng năm. Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng tăng cường mạnh mẽ.

Đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển

Nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng bào trong tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thành chương trình hành động của các cấp, các ngành nhằm tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng.

Duy trì việc thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế mang tính đột phá trong đầu tư phát triển, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ sở vật chất cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhằm phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc.

Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn vùng dân tộc; phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo... của các thế lực phản động lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào phá hoại trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Mỗi một đại biểu ưu tú trong Đại hội này khi trở về thôn, bản, làng, xã phải là một tấm gương sáng và vận động bà con tích cực phát triển kinh tế, làm cho tất cả thôn, bản, mọi tầng lớp nhân dân không ngừng nâng cao ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; quan tâm người già, trẻ em từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, chữa bệnh, học hành, phấn đấu không chỉ ăn no mà phải tiến tới ăn ngon, không chỉ có mặc ấm, mà phải còn mặc đẹp và phải biết tích luỹ cho tương lai... Phải biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và phương thức canh tác mới, bám sát thời vụ để giúp cho đồng bào không chỉ giỏi về kinh nghiệm làm ăn mà còn xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh cho từng hộ gia đình.

 

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh kêu gọi đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng nêu cao ý thức tự lực tự cường, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc, hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế văn minh, giàu, đẹp.

Nguyễn Ngọc Thiện (UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh)