Nam Đông: Chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp
Cập nhật lúc : 11:11 04/04/2018
Huyện Nam Đông có số lượng lao động trong độ tuổi chiếm gần 60% dân số. Hàng năm số lao động qua đào tạo đạt 300 - 400 người. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi, số lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ tác phong lao động nông nghiệp, không thích nghi được với môi trường làm việc mới. Chính vì vậy, thực tế đặc ra là doanh nghiệp cần lao động, người lao động lại không có việc làm.
Ngành may công nghiệp đã có mặt ở huyện miền núi Nam Đông từ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, trước đây chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung. Tháng 6/2017, nhà máy may KimSoRa chính thức đi vào hoạt động với quy mô 8 chuyền may và 1 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế bằng máy tự động, giải quyết việc làm khoảng 500 lao động. Đây là nhà máy may công nghiệp được đầu tư quy mô và hiện đại đầu tiên trên địa bàn huyện Nam Đông.
Không chỉ được làm việc trong môi trường tốt, mức lương ở đây tương đối cao và ổn định, thế nhưng hiện nay Công ty TNHH KimSora vẫn đang thiếu một số lượng lớn lao động. Mặc dù hàng năm, huyện Nam Đông và công ty đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề may cho con em người địa phương, thế nhưng sau đào tạo vào làm việc được một thời gian ngắn thì phần lớn lao động tự ý bỏ việc, đặc biệt là đối với con em người đồng dân tộc thiểu số.
Đến năm 2017, địa bàn huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 16.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% dân số. Trong những năm qua, với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực và nguồn vốn ngân sách để đào tạo nghề cho người lao động, đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù của một huyện miền núi, phần lớn lao động sau đào tạo, đặc biệt là đối với con em người đồng bào dân tộc thiểu số không thích nghi được với môi trường làm việc mới, vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ truyền thống “thích thì làm, thích thì nghĩ”. Đây đã và đang là mối bận tâm rất lớn của huyện và các ban, ngành liên quan.
Bằng các chương trình, chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư và việc hình thành 2 cụm công nghiệp Hương Hòa, Hương Phú; đây là cơ hội để người lao động tìm được việc làm thích hợp. Chính vì vậy, ngoài việc tổ chức đào tạo nghề, thì huyện Nam Đông và người sử dụng lao động cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tác phong lao động chuyên nghiệp. Từ đó, tác động tích cực vào việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Tiến Dũng - Diễm Chi
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/