In trang
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khảo sát mô hình cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước Quảng Tế

Một số kết quả đạt được từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường - nông thôn
Cập nhật lúc : 15:27 03/01/2020

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thực hiện chương trình tín dụng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định 62/2004/QĐ-TTg, ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2006 - 2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân cho gần 78.000 lượt hộ ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới trên 67.000 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia; gần 78.000 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh (tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 71% năm 2006 lên 100% năm 2019, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt chuẩn Quốc gia từ 30% năm 2006 lên 85% năm 2019, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh từ 50% năm 2006 lên 89% năm 2019). Hiệu quả từ chương trình này đã hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch bùng phát ở nông thôn như dịch sốt xuất huyết, dịch tiêu chảy do dùng nước không hợp vệ sinh, nước bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, nhất là vùng sâu, vùng xa nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ phải dùng hệ thống nước tự chảy từ khe, suối không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. 

Sau khi giải ngân cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực phối hợp với các Hội đoàn thể và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát vốn vay; xây dựng kế hoạch về nguồn vốn hàng năm và tham mưu điều chỉnh nguồn vốn giải ngân phù hợp với từng địa bàn. Qua thực hiện chính sách, cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp đã nhận thức rõ hơn đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thu hẹp khoảng cách giữa giàu, nghèo, điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn.

Người dân vui mừng khi sử dụng nước sạch

Khó khăn còn tồn tại:

- Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, quá trình sử dụng lâu dài và các nguyên nhân khách quan làm nhiều công trình nước sạch và vệ sinh bị hư hỏng.

- Mức vay hiện nay 10 triệu đồng/1 công trình chưa phù hợp do giá cả nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao sẽ không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng.

- Chưa có chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình ở khu vực đô thị (phường, thị trấn) để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa những công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh. Chưa có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng xây dựng công trình đầu mối cấp nước sạch hoặc xử lý môi trường tập trung,...

- Những món nợ do người vay bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.

- Ngân hàng chính sách xã hội với nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, địa bàn hoạt động rộng khắp, có những khó khăn đặc thù, trình độ dân trí của một bộ phận bà con thấp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nên đầu tư cho vay các đối tượng này tuy vốn ít nhưng rủi ro lớn, ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, các địa phương, đơn vị cần quan tâm một số nội dung sau:

- Xã hội hóa lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vốn, công sức để xây dựng, quản lý khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

- Các chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm bổ sung tăng nguồn vốn ủy thác địa phương mỗi năm nhằm đảm bảo nguồn lực để thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân và mục tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra cho các chương trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020.

- Các tổ chức Hội đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt việc nhận diện các hộ vay vốn, tham gia họp bình xét cho vay đảm bảo nguyên tắc “cho vay đúng đối tượng, vốn vay có vật tư tương đương làm đảm bảo và có khả năng trả nợ”. Tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra Hội đoàn thể cấp dưới trong việc thực hiện một số nội dung, công việc được Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác; tăng cường kiểm tra hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; chủ động phối hợp rà soát, lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro kịp thời đối với các hộ vay đủ điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác.

Bảo Long - VPTU