In trang

Kiểm soát tham nhũng, lãng phí trong khu vực công
Cập nhật lúc : 10:09 10/12/2022

Năm 2021 Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) với chỉ số đạt 48,059/80 điểm. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn cho rằng, để kiểm soát tham nhũng (KSTN) trong khu vực công, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN), đẩy mạnh công tác thanh tra, các sở, ban ngành, địa phương cần chủ động, tích cực kiểm soát có hiệu quả công tác PCTN trong khu vực công theo các lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.

Tăng cường thanh tra, kiểm soát

Năm 2022, UBND tỉnh phân công cho Thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong các giải pháp thực hiện nâng cao chỉ số KSTN trong khu vực công. Để đạt được mục tiêu trên, ngay những ngày đầu năm, ngành Thanh tra quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và cán bộ, đảng viên về KSTN trong khu vực công thông qua tăng cường công tác truyền thông và thực hiện đẩy mạnh các giải pháp KSTN khu vực công.

Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn cho biết, để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch KSTN trong khu vực công giai đoạn 2022 - 2025, trước hết phải thực thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Kế hoạch của Tổng Thanh tra Chính phủ, của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, phương tiện làm việc, tài sản công. Bảo vệ và tạo điều kiện cho người phát hiện, tố giác, tố cáo, phản ánh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Đối với việc KSTN trong chính quyền, các phòng nghiệp vụ Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hướng dẫn chính quyền cơ sở xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTN; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Cùng với đó, ngành Thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, tiếp nhận và xử lý kịp thời những khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân về các vụ việc tham nhũng; công khai báo cáo kết quả công tác PCTN hàng năm, các kết luận thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Xử lý nghiêm và kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tin báo phản ánh tham nhũng, các vụ việc tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

Công khai, minh bạch

Mới đây, Thanh tra tỉnh làm cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh thực hiện xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm công tác tại các sở, ban, ngành, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật về PCTN. Theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, Thanh tra tỉnh phố hợp với các sở, ngành liên quan bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai tại mỗi cơ quan, đơn vị. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của người có nghĩa vụ kê khai tại các sở, ban, ngành sẽ được công khai để người dân được rõ.

Để thực hiện quyết tâm chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan tư pháp trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh cải cách tư pháp. Tăng cường phối hợp Ủy ban MMTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân phát huy vai trò giám sát, tố giác, tố cáo hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công.

Đối với các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện văn hóa công vụ, về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, đạo đức, lối sống, trang phục... của đội ngũ công chức, viên chức. Qua đó, hình thành phong cách, lề lối làm việc của công chức, viên chức bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ; đồng thời ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Chánh Thanh tra tỉnh yêu cầu, thực hiện kế hoạch đồng bộ, thống nhất với các chỉ đạo, định hướng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tích cực KSTN trong khu vực công. Đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện KSTN trong khu vực công, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, đảm bảo tính kịp thời, chặt chẽ, tránh hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp KSTN.

Thái Sơn