Hội thảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng
Cập nhật lúc : 09:55 05/05/2020
Sáng ngày 14/5/2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành, địa phương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hồ Văn Hải - UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, UBKT, Văn phòng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Sau khi được nghe đồng chí Lê Hữu Hùng - TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày Dự thảo báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, địa phương; trong đó tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực mang tính thực tiễn cao nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cấp trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Đồng chí Lê Hữu Hùng - TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày Dự thảo báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hồ Văn Hải - UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy khẳng định, trong những năm qua, với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, khẩn trương, tích cực, chặt chẽ của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan báo chí và nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả toàn diện, tích cực; tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, việc xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo xử lý quyết liệt; các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng không để xảy ra việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, bỏ lọt tội phạm gây dư luận không tốt trong nhân dân. Nhờ vậy, từ khi thực hiện Chỉ thị 50 đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý các vụ án tham nhũng kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân về quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Hồ Văn Hải cho rằng, trong thời gian đến để nâng cao hiệu quả hơn nữa việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu các cấp cần phải tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 50, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định cụ thể trong Kế hoạch 03; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng bằng các hình thức, nội dung phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.
Hai là, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao như: đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, cấp phép đầu tư,... Khi phát hiện sai phạm đến mức cần xử lý hình sự phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.
Ba là, chủ động kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm, các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận; xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện xử lý.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Bốn là, các cơ quan chức năng phải xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện với nguyên tắc: tích cực, khẩn trương, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, ai vi phạm đều bị xử lý, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố để điều tra, nếu có tội thì phải truy tố, xét xử; không để xảy ra tình trạng việc xử lý hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm mà chỉ xử lý kỷ luật hành chính hoặc các biện pháp khác. Chú trọng việc xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Xử lý nghiêm những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Năm là, các cơ quan tố tụng tăng cường phối hợp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm minh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện các quy chế phối hợp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.
Sáu là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động có ý thức tham gia phát hiện hành vi tham nhũng. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trong tham gia phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng. Xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng một cách cụ thể; đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo về tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.
Bảy là, quan tâm chỉ đạo sơ kết, tổng kết hằng năm việc thực hiện chương trình, kế hoạch, quy chế đã đề ra trong công tác phòng, chống tham nhũng để kịp thời đánh giá, phát hiện, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện các hành vi tham nhũng và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng.
Viết Giảng - BNCTU
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/