In trang
Các dự án hỗ trợ chăn nuôi đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiệu quả của chính sách dân tộc tại vùng miền núi và dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Cập nhật lúc : 10:59 09/12/2018

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai các nội dung trong chiến lược công tác dân tộc, lồng ghép thực hiện với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng miền núi nói chung và của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng được ổn định và ngày càng cải thiện.

Dân số toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 170.223 người/38.898 hộ, trong đó dân tộc thiểu số 54.324 người; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở 2 huyện miền núi (Nam Đông, A Lưới) và một số xã miền núi ở 2 huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Những năm qua, rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đã đi vào hiện thực đời sống trên vùng miền núi như Chương trình 327, 135 (giai đoạn 1), Quyết định 1592/QĐ-TTg và mới đây nhất  là việc tiếp tục thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2) và Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định 449/QĐ-TTg và Quyết định 2356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Hồ Xuân Trăng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (Chương trình 135) và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 1592/QĐ-TTg) là một trong những chính sách thiết thực và đem lại hiệu quả nhất cho ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS cũng như ở vùng miền núi của tỉnh.

Trong giai đoạn (2008 - 2018), gần 257 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình 135 (trong đó trên 196 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng) đã xây dựng được 151 công trình giao thông; 23 công trình thủy lợi; 24 công trình công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 29 công trình giáo dục và 10 công trình nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn đầu tư hệ thống điện sinh hoạt, nâng cấp trạm y tế; sữa chữa, nâng cấp kè, cống thủy lợi và dân sinh được đầu tư theo diện cấp xã đến cấp thôn... Qua đó, đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư cơ bản đồng bộ với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã có trường tiểu học, Trung học cơ sở, trạm y tế được đầu tư kiên cố và bán kiên cố.

Trong giai đoạn 2011 - 2018, hơn 43,86 tỷ đồng nguồn kinh phí được cấp theo Quyết định 1592/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg, ngoài việc hỗ trợ hiệu quả cho việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất sản xuất; hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất và hỗ trợ học nghề... cho người dân vùng miền núi, nguồn kinh phí còn được đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, hạn chế những bệnh tật xảy ra cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, trong năm 2018 với nguồn tín dụng 10 tỷ đồng theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo được vay (trung bình mỗi hộ vay tối đa 50 triệu đồng) để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg với hơn 95,2 tỷ đồng, từ năm 2007 đến nay đã thực hiện 9 điểm định canh định cư (ĐCĐC) tập trung cho đồng bào DTTS. Trong đó, 3 dự án cơ bản hoàn thành đưa dân về định canh định cư ổn định (dự án ĐCĐC tập trung thôn Tà Rỵ, xã Hương Hữu và Ta Rinh, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông và dự án ĐCĐC Khe Bùn, xã A Ngo, huyện A Lưới). Có thể nói, việc hỗ trợ ĐCĐC đã tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS mới lập gia đình, hay những hộ còn ở nhà tạm bợ, thiếu đất sản xuất có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, nguồn vốn phát triển sản xuất đã được tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi (giống lúa, ngô, cây keo trồng rừng và giống bò, lợn, gia cầm). Đồng thời, cung cấp thông tin về tiến bộ kỹ thuật, địa chỉ cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật mới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giúp các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững; đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển sản xuất, không trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đặc biệt, nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi tích mà đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ theo Quyết định 1557/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Trong đó, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thực hiện thành công trong các lĩnh vực như: phổ cập giáo dục; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt đối với trẻ em; bình đẳng giới đối với phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, chỉ tiêu Thiên niên kỷ vùng đồng bào DTTS đã đạt kết quả khả quan như toàn tỉnh đã không còn tình trạng thiếu đói, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi đạt 10,13% (thấp hơn tiêu chí quy định của Trung ương 14%); cơ bản xoá bỏ được những khác biệt về giới và bình đẳng giới; tỷ lệ phụ nữ mang thai ở vùng dân tộc và miền núi được khám thai và tiêm phòng được tăng lên. Phụ nữ là người dân tộc thiểu số ngày càng bình đẳng hơn trong mọi việc kể cả trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; vị trí lãnh đạo của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả cũng như hiệu quả trong triển khai các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, do đặc điểm của từng địa bàn và văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS nên một số chính sách chưa đạt hiệu quả cao khi triển khai vào hiện thực đời sống; một số chính sách tác động chưa đủ mạnh do nguồn lực hỗ trợ quá hạn chế, dàn trải nên công tác giảm nghèo chưa thật bền vững.  Để giúp các xã và người dân ở các xã vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 16/KH-UBND về việc phân công các sở, ban, ngành đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% ở hai huyện A Lưới và Nam Đông trong giai đoạn 2016-2020.

Hy vọng, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và những giải pháp giảm nghèo thiết thực của tỉnh, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ được khởi sắc hơn, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

Phạm Hà