Gặp gỡ những thầy thuốc đặc biệt
Cập nhật lúc : 21:38 02/05/2025
Hơn 16 năm gắn bó với chuyên ngành tâm thần là bấy nhiêu năm bác sỹ chuyên khoa I - Nguyễn Thị Mai Hiền, Bệnh viện Tâm thần Huế gắn bó với những người bệnh với nhiều trạng thái, tâm lý, tình cảm khác nhau. Từng tủi thân mặc cảm khi bệnh nhân chống đối, tấn công do không kiểm soát được hành vi, nhưng rồi chính sự đồng cảm, tình yêu thương với bệnh nhân lại giúp chị vượt qua để tiếp tục nỗ lực chăm sóc, chữa lành, giúp họ sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mai Hiền, trưởng khoa điều trị Nam 1, Bệnh viện Tâm thần Huế chia sẻ: “Việc chăm sóc một bệnh nhân bình thường đã là một thách thức lớn, đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Các rối loạn tâm thần là những bệnh lý vô cùng phức tạp, việc thăm khám cho người bệnh gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác. Nếu như bệnh nhân thông thường đến khám bệnh đều chủ động cho biết các triệu chứng của mình, thì bệnh nhân tâm thần thường có xu hướng phủ nhận tình trạng bệnh. Do đó, bác sĩ cần phải có kỹ năng quan sát tinh tế, hiểu biết sâu rộng về bệnh lý và tâm lý người bệnh, đồng thời kết hợp với việc thu thập thông tin từ người nhà. Còn khi điều trị những bệnh nhân này, các bác sĩ, điều dưỡng phải luôn đồng hành sát sao bên cạnh bệnh nhân. Đôi khi họ phải đóng vai trò như người thân trong gia đình, có lúc lại như những người bạn để tâm sự, lắng nghe, và kịp thời nắm bắt những thay đổi, diễn biến tâm lý phức tạp của người bệnh”.
Bệnh nhân tâm thần được điều trị bằng liệu pháp phục hồi chức năng
Bằng cả tình thương và trách nhiệm, những người thầy thuốc ở đây giờ như là người thân của bệnh nhân, để rồi hàng ngày sâu sát, tỉ mỉ và cẩn trọng trong điều trị, cũng như thực hiện cả việc chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày dành cho bệnh nhân.
Cử nhân Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyết Vân, Điều dưỡng trưởng khoa điều trị Nam 1, Bệnh viện tâm thần Huế tâm sự: “Người bệnh tâm thần thường bị hạn chế về nhận thức và tư duy, nhiều người khi nhập viện đã không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, luôn cần sự hỗ trợ. Vì vậy, hàng ngày, bên cạnh việc điều trị, các nữ bác sĩ, điều dưỡng còn phải đảm nhận vai trò như những người "bảo mẫu", giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân và ăn uống. Thậm chí, có những bệnh nhân vốn hiền lành nhưng khi lên cơn kích động lại trở nên mất kiểm soát, có hành vi đập phá, gào thét, thậm chí tấn công nhân viên y tế. Do đó, mỗi khi thăm khám và điều trị, chúng tôi thường phải làm việc theo nhóm ít nhất hai người, vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa theo dõi sát sao tình trạng của họ để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ, bảo đảm an toàn cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế”.
Khi lựa chọn công việc chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần cũng là cách đội ngũ y bác sỹ thể hiện tinh thần dấn thân, tận tâm cống hiến với nghề. Từ những e dè, bỡ ngỡ ngày đầu khi vào nghề họ ngày càng gắn bó, cảm thông với từng người bệnh, trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện Tâm thần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ
Ông N.V.T người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa nam 1, bệnh viện tâm thần Huế chia sẻ: “Con tôi vào điều trị đây được hơn 2 tháng, khi vào đây được đội ngũ y tế chăm sóc rất tốt, giờ bệnh con tôi cũng đã dần thuyên giảm, tôi rất chân thành cám ơn các y bác sĩ tại đây”.
Hiện nay tại Bệnh viện Tâm thần Huế đang điều trị nội trú cho hơn 80 bệnh nhân. Với bệnh nhân ngoại trú, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, chữa bệnh cho gần 200 bệnh nhân. Số lượng đội ngũ y bác sĩ là 71 người. Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân tâm thần ai cũng mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng đối với các y, bác sỹ làm việc tại đây, họ đã luôn tận tụy, hết lòng, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đã, đang làm những việc ít người dám làm, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt.
Bữa cơm tập thể giúp bệnh nhân gắn bó trong quá trình điều trị bệnh
Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Dũng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế cho biết: “Bệnh tâm thần cũng như nhiều bệnh lý khác, nếu được phát hiện sớm và điều trị phù hợp thì khả năng hồi phục sẽ rất cao, giảm quá trình mạn tính và tiến triển xấu của bệnh. Vì vậy, trong những năm qua, bệnh viện luôn cập nhật những kiến thức y học tiên tiến trên thế giới, đồng thời đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, bệnh viện chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng trong điều trị, chăm sóc cho người bệnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ; thường xuyên trao đổi, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước về lĩnh vực tâm thần học; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà của họ”.
Vẫn còn đó sự khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm; song vượt lên tất cả, đội ngũ y, bác sỹ làm việc vẫn đang ngày, đêm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt” này. Sự tiến bộ dù là rất nhỏ của bệnh nhân cũng trở thành niềm vui đối với người thầy thuốc, để rồi họ tiếp tục gắn bó và cống hiến, tận tâm với nghề “Lương y như từ mẫu”.
Nguyễn Hiếu
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/