Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Cập nhật lúc : 16:47 06/03/2022
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận những dự Luật quan trọng, trong đó có dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan đến dự án luật này, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân Chủng Phòng không, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận. GS.TS Phạm Như Hiệp, TUV, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận.
Đại biểu Phạm Như Hiệp bày tỏ ý kiến cần điều chỉnh Khoản 6, Điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vì hiện nay quy trình phê duyệt kỹ thuật là khá phức tạp, các danh mục kỹ thuật tại thông tư, các thông tư của Bộ Y tế vẫn còn chưa đầy đủ để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Một phần do các kỹ thuật mới luôn luôn được phát triển, một phần là chưa kịp cập nhật các danh mục. Đặc biệt, vẫn còn một số kỹ thuật đơn giản nhưng chưa có danh mục nên sẽ gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh.
Thứ hai, đó là vấn đề về dinh dưỡng thiết kế trong điều trị ở Điều 73. Dinh dưỡng thiết kế trong điều trị gồm dinh dưỡng lâm sàng và việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị. Việc đưa dinh dưỡng tiết chế xem như một phần của phương pháp điều trị là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn các bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện có nguy cơ suy dinh dưỡng do tự túc dinh dưỡng gồm nhiều lý do: không am hiểu về dinh dưỡng trong điều trị, bệnh nhân ở nhà xa, không có điều kiện chuẩn bị một cách bài bản, khoa học, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bác sĩ điều trị là người chủ động chỉ định phối hợp chế độ dinh dưỡng với thuốc và các phương pháp điều trị khác để tăng cường hiệu quả điều trị, tiến tới chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế người nhà nuôi bệnh nhân trong bệnh viện có rất nhiều các bất lợi và là tồn tại ở phần lớn các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán với điều kiện có bổ sung thêm các đóng góp của bệnh nhân đối với mục này.
Đối với vấn đề xã hội hóa trong công tác khám, chữa bệnh, Ông Phạm Như Hiệp cho rằng “tại Mục 3 của Điều 90, xã hội hóa trong công tác khám chữa bệnh là hoạt động liên doanh, liên kết thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước, tôi nghĩ điều này cần phải nói cụ thể hơn để tạo một hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động, giống như là đại biểu Thủy ở Đoàn Bắc Kạn đã nói và rất nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề này. Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải có một cách thức quản lý hoạt động liên doanh, liên kết như thế nào cho phù hợp”. Ông Hiệp nhấn mạnh
Bảo Long
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/